Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi cán bộ xa rời chữ “kiệm”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển của công thành tư, sống xa hoa, lãng phí, phù phiếm. Đó là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua khi nói tới sự “tha hóa quyền lực”. Điều này đang đặt ra những dấu hỏi lớn về vấn đề đạo đức của người cán bộ.

 Ảnh minh họa
Tâm lý “hưởng thụ quyền lực” vẫn nặng nề
Thời gian qua, dư luận liên tục xôn xao bởi những thông tin về lối sống, sinh hoạt, giải trí xa hoa của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người thân của họ. Từ chiếc xe sang Lexus, đồng hồ bạc tỷ của cá nhân một cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh; những biệt thự hoành tráng của một số quan chức và con em một số quan chức cao cấp mọc lên sừng sững ở những vị trí "đất vàng" hay trên những thửa ruộng đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị sử dụng sai mục đích… Rồi đến những cuộc ăn chơi xả láng, những bữa tiệc linh đình, thậm chí tiêu tiền như… ném qua cửa sổ của những người mang mác “công bộc của dân” bị điểm danh. Gần đây nhất, trong bối cảnh, Bộ Chính trị đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu sống mẫu mực, tiết kiệm, giản dị, tránh lãng phí, xa hoa, lại xuất hiện một nữ cán bộ cấp tỉnh tổ chức tiệc cưới cho con một cách rình rang khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Khi nói về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã nhận định, nếu là người dân bình thường, nữ cán bộ ấy có thể tùy ý tổ chức đám cưới cho con cái mình thế nào cũng được, không ai có ý kiến. Nhưng khi đã là cán bộ của Đảng, Nhà nước, lại là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, họ không chỉ phải làm gương cho cấp dưới mà phải biết giữ mình để tránh sa vào những vụ việc gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, hàng năm, kê khai tài sản không phát hiện được lấy một trường hợp không trung thực. Thế nhưng dư luận thì không ngớt xôn xao về những khối tài sản lớn của lãnh đạo một số địa phương, bộ ngành. Điều này đang đặt ra những dấu hỏi lớn về vấn đề đạo đức của người cán bộ. Liệu có hay không sự tha hóa quyền lực, tha hóa đạo đức trong những công bộc của dân?
Như nhiều ý kiến nhận định, chọn cách sống như nào dường như là quyền của mỗi người, không ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và cộng đồng, đặc biệt là cách họ tiêu tiền của chính mình không ai có quyền phán xét cả. Nhưng thực tế, sự giàu có bất thường, cách sống xa hoa... khác lạ của không ít cán bộ hàng ngày, hàng giờ đập vào mắt người dân, gây nhức nhối dư luận lại tạo nên một nếp sống không mấy văn hóa trong cộng đồng. Bởi chính thực tế thời gian qua cũng đã chứng minh, không ít trường hợp, những vật dụng “đình đám” gắn với danh tiếng của cán bộ ấy lại có được từ những phi vụ, lợi ích nhóm và có trường hợp đã khiến cho chủ nhân phải chịu kỷ luật, thậm chí có người còn lâm vào vòng lao lý. Do đó, nếu nhìn rộng ra, có lẽ, những lời phàn nàn, nghi vấn về sự giàu có bất thường của một số quan chức tại các ngành, địa phương đã làm cả nước xôn xao không phải không có căn cứ.
Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) chia sẻ, khi đọc thông tin về những bữa tiệc linh đình của người có chức, có quyền; về việc sếp mới nhậm chức phải thay đổi nhiều thứ, điển hình là trang bị trong phòng làm việc, sắm ô tô mới; rồi đến những thông tin về việc bòn rút của công để ăn chơi…, tôi cứ suy nghĩ mãi về cái người ta vẫn nói là “hưởng thụ quyền lực”. Chính việc không coi trọng đạo đức xã hội đã tạo ra nếp sống hưởng thụ theo chức vụ, quyền hạn nặng nề. Nhìn lại trong lịch sử, có nhiều nhà lãnh đạo xưa, cả quá trình làm cán bộ không hề tích lũy gì cho bản thân, công tư rành rọt. Đã có rất nhiều tấm gương cán bộ, danh nhân, những người làm ra nhiều của cải, tiện ích cho xã hội đều là những tấm gương có cuộc sống giản dị và tiết kiệm.
Nhưng hiện nay, không ít cán bộ đã tự cho mình cái quyền được hưởng thụ theo địa vị, đó là một điều rất nguy hiểm, rất cần chấn chỉnh. Bởi khi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, hưởng thụ sẽ dẫn tới đặc quyền, đặc lợi, không kiểm soát được quyền lực, dẫn đến hư hỏng về đạo đức, dẫn đến tham nhũng, lợi ích nhóm. Dùng lợi ích, của cải, tiền bạc để chi phối người này người khác, từ đó đẻ ra bao nhiêu tiêu cực cũng bởi từ tâm lý hưởng thụ này.
Thấu hiểu chữ “kiệm”
Nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống lối sống khoe mẽ, xa hoa, lãng phí, học tập và làm theo lời dạy của Bác về “cần, kiệm, liêm, chính” là vấn đề liên tục được nhắc đến trong công tác cán bộ. Bởi sự suy thoái, tha hóa về đạo đức, lối sống có nguy cơ dẫn tới sự tha hóa về chính trị, do đó trong hành động và kiên quyết xử lý những cá nhân vi phạm

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cả trong suy nghĩ và hành động. Người luôn coi đức tính giản dị là chân lý cuộc sống. Người sớm nhận rõ sự tha hóa lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng ở mức nào. Vì thế, trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người một lần nữa căn dặn cán bộ, đảng viên phải thực hiện và là tấm gương hành động “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để Nhân dân trông vào, cán bộ thực hiện làm gương cho Nhân dân theo để lợi cho nước cho dân. Trong tư tưởng của Bác, 4 chữ này không thể tách rời nhau.
Nhưng nếu chỉ nói riêng chữ “kiệm”, đây là biểu hiện về phẩm chất, đạo đức, là bản chất tiến bộ của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thẳng thắn chỉ ra các thói xấu của cán bộ cần phải lên án, như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người chỉ rõ: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”.
Nhiều ý kiến khác cũng đã chỉ ra, để học và thấu hiểu chữ “kiệm” không chỉ kêu gọi chung chung, mà cần phải chuyển trong nhận thức, bởi tiết kiệm là một phẩm chất đạo đức cá nhân trong cuộc sống sinh hoạt đời thường cũng như trong công việc. Và cán bộ phải là lực lượng tiên phong trong cuộc “thi đua thực hành tiết kiệm”, bởi "một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền" như câu nói của Bác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhắc nhở, cán bộ, đảng viên mà vi phạm nguyên tắc, quy định, Điều lệ Đảng, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, lợi dụng chức quyền để trục lợi, vun vén cá nhân, ưu ái cho gia đình, người thân… ít nhiều "tay đã nhúng chàm" thì nói chẳng ai nghe. Những "ông quan" nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ Nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong Nhân dân.
Cùng với thúc đẩy việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, Đảng cũng đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, một trong những nội dung cần gương mẫu đi đầu đó là: "Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành". Trên cơ sở đó, nhiều quy định cụ thể hơn cũng đã được ban hành để ngăn, để chống lối sống xa hoa, lãng phí của cán bộ. Từ việc hạn chế tổ chức các lễ hội, các cuộc chiêu đãi, tiệc tùng tràn lan, đến từ chối nhận quà vào dịp kỷ niệm, hay thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, với tiêu chí lễ cưới không quá 300 khách mời, không tổ chức cưới ở những nhà hàng sang trọng, đắt tiền, tăng cường thiếp báo hỉ thay cho thiếp mời dự tiệc cưới…
Tuy nhiên, những kết quả trên chỉ là bước đầu và dường như với một số cán bộ thích “hưởng thụ quyền lực” vẫn chưa thấm vào đâu. Để không xa rời mà thực hiện hiệu quả hơn nữa chữ “kiệm” theo lời dạy của Bác, chắc chắn phải cần những giải pháp mạnh hơn nữa. Đặc biệt, trước những tác động tiêu cực của cuộc sống hiện đại, nếu người cán bộ không tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để có đủ nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách và cám dỗ của cuộc sống đời thường, sẽ khó tránh khỏi sự tha hóa về lối sống mà xa hoa, phù phiếm là một biểu hiện.

Vượt qua cám dỗ

Tiền tài, vật chất là một thứ cám dỗ khó cưỡng. Cán bộ nếu không kiểm soát được quyền lực, không vượt qua được cám dỗ sẽ dễ mắc sa sút về đạo đức, phẩm chất cũng như vi phạm chuẩn mực đạo đức của người “công bộc của dân”. Có thể nhìn thấy một bộ phận biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân là chỉ thu vén cho lợi ích của riêng mình, trục lợi cho gia đình mà ít quan tâm tới vấn đề chung. Rồi chính sự buông thả, ít chịu rèn luyện, sa vào con đường ăn chơi, xa hoa mà vô cảm với dân. Từ chủ nghĩa cá nhân dẫn tới các hành vi tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Mỗi cán bộ, đảng viên, thực chất là cán bộ có chức quyền phải luôn khiêm tốn và tâm niệm rằng làm để cống hiến, phục vụ Nhân dân. Sự rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức quyền từ cấp T.Ư xuống tới địa phương có thể coi là yếu tố quan trọng nhất.

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Không rèn giũa, dễ tha hóa

Trở ngược về thời kỳ đất nước trải qua các cuộc kháng chiến chống giải phóng đất nước, khi đó, sự cống hiến bằng cả máu xương cho hòa bình của dân tộc của bao thế hệ cán bộ được nhìn thấy rất rõ. Cha ông đi hoạt động cách mạng không nghĩ đến riêng mình mà nghĩ đến cái chung, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Trong thời bình, trước những lợi ích, cám dỗ từ cơ chế thị trường, người ta làm mọi cách để có được chức vụ, có quyền lợi, để hưởng thụ. Nếu cán bộ không tự rèn luyện, nhắc nhở mình, thì sớm muộn cũng bị tha hóa, tham nhũng "trói buộc” bằng những lợi ích vật chất.

Do đó, chống lối sống xa hoa, lãng phí cũng là kiểm soát quyền lực. Ngoài cơ chế, cần chú trọng vấn đề giáo dục “cần, kiệm, liêm, chính” trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng. Là công bộc của dân thì không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất cho cá nhân. Thật khó chấp nhận được khi dân còn nghèo khó, nhưng cán bộ của vùng đó thì ở biệt phủ, đi xe bạc tỷ, tiêu xài hoang phí. Đó là một thực trạng cần chấn chỉnh.

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Hà Bình ghi