Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi chiến sự tràn đến Crimea...

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến chiến sự gần đây tại Ukraine đã dấy lên nhiều đồn đoán từ giới quan sát, rằng nơi mà cả Moscow và Kiev sẽ tập trung trong những tháng tới là bán đảo Crimea.

Cầu Krech nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị đánh bom hôm 8/10/2022. Ảnh: AFP
Cầu Krech nối đất liền Nga với bán đảo Crimea bị đánh bom hôm 8/10/2022. Ảnh: AFP

Bán đảo mang tầm chiến lược

Các lực lượng Nga tại Ukraine đang ở thế phòng thủ, với ưu tiên lúc này không phải là kiểm soát thêm vùng lãnh thổ nào khác mà là cố gắng giữ những gì đang có. Cụ thể, sau khi đột ngột rút khỏi TP chiến lược Kherson, Nga được cho đang tích cực chuẩn bị bảo vệ bán đảo Crimea.

“Chúng tôi thấy rằng họ (Nga) đang tích cực chuẩn bị phòng thủ. Tạo ra một tuyến phòng thủ ở cả tả ngạn sông Dnepr ở Kherson, và tại biên giới hành chính với Crimea ở phía Bắc bán đảo. Họ đang xây dựng hai khu vực chiến lược ở phần phía Bắc của TP Dzhankoy” - Andrii Cherniak, đại diện Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine trao đổi với hãng thông tấn Ukrinform - “Điều này là quan trọng đối với Nga, trong trường hợp lực lượng Ukraine phản công”.

Trong số tất cả các khu vực sáp nhập Nga kể từ năm 2014 đến nay, Crimea mang ý nghĩa quan trọng hơn cả. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm nay, Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhny từng tuyên bố rằng, Crimea là “trung tâm trọng lực” của Nga, là chìa khóa của cuộc chiến. Ưu tiên trước mắt đối với Ukraine được cho là không cho phép Nga củng cố vị trí hoặc huấn luyện để chuẩn bị lực lượng tiếp viện tại Crimea.

Điều này góp phần lý giải mục tiêu trong các cuộc tấn công của Ukraine thời gian qua - từ vụ nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cầu Kerch đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Hạm đội Biển Đen đều trong tháng 10 vừa qua. Giới chức Crimea hôm 23/11 cũng tuyên bố đã đẩy lùi hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác trên bán đảo này, mà một trong số đó được cho là nhắm vào một nhà máy điện.

Trên thực tế, bán đảo Crimea đã trở thành trung tâm trong đại chiến lược của người Nga kể từ khi chiếm được từ tay đế quốc Ottoman cai trị ở đó vào năm 1783. TP Sevastopol trên bờ biển phía Nam là nơi đóng căn cứ hải quân quan trọng duy nhất của Nga, cho phép nước này tiếp cận Địa Trung Hải quanh năm và thậm chí là xa hơn nữa. Năm 1954, Crimea được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Kruschev cắt cho Ukraine - nơi bấy giờ được cho vẫn đang hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Moscow.

Báo động lợi ích của Nga chỉ thực sự được bật lên khi Ukraine chính thức độc lập vào năm 1991, và căn cứ hải quân tại Sevastopol đã được Ukraine cho thuê - một thỏa thuận bị Tổng thống Vladimir Putin nhanh chóng hủy bỏ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Nhưng quan trọng nhất, Crimea là một trong những phần lãnh thổ bị cắt đi có đa số người dân tộc Nga sinh sống. Trong nhiều thế kỷ, nó đã là một điểm nghỉ hè hàng đầu của Nga. Giờ đây, giá bất động sản đang giảm và việc quân đội Ukraine ở ngay trước cổng, khiến bán đảo nghỉ dưỡng này trở nên ngột ngạt chưa từng có.

Kể từ sự kiện sáp nhập năm 2014 cho đến cả trong suốt chiến dịch đặc biệt hiện tại của Moscow, Kiev đã không ít lần công khai thể hiện quan điểm muốn chiếm lại tất cả các “lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời”, như là điều kiện để bắt đầu đàm phán. Với thế chủ động và khí thế đang có sau khi giành lại nhiều vùng lãnh thổ quan trọng, câu hỏi đặt ra lúc này là Ukraine sẽ đối phó với khả năng “tái chiếm” Crimea như thế nào, khi câu trả lời được tin sẽ định hình cuộc chiến trong thời gian tới.

Chiến trường nhiều thách thức

Crimea rõ ràng rất quan trọng đối với cả Nga và Ukraine lúc này, nhưng một kịch bản đụng độ ngay tại bán đảo là không hề dễ dàng với cả hai. Đầu tiên là những thách thức quân sự. Từ kinh nghiệm của không ít “ngoại bang” trong nhiều thế kỷ - không chỉ là người Anh và người Pháp trong Chiến tranh Crimea (1853 - 1856), mà đáng chú ý nhất là người Đức đã chiếm đóng bán đảo và sau đó bị đánh đuổi trong Thế chiến II - Crimea tỏ ra là một hạt nhân quân sự rất khó bị phá vỡ.

Trong trường hợp không có lực lượng hải quân và đổ bộ lớn, thực sự chỉ có một lối vào bán đảo này là eo đất Perekop rộng 5km, nơi từng diễn ra các trận chiến quan trọng và đẫm máu vào cuối cuộc Nội chiến Nga năm 1920 và trong cuộc xâm lược của Đức năm 1941.

Thứ hai, một cuộc tấn công vào Crimea được tin sẽ ẩn chứa nhiều nguy hiểm chính trị. Không giống như các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác ở Ukraine, hầu hết người Nga đều đồng ý rằng Crimea - với phần lớn dân số là người Nga - là một lãnh thổ hợp pháp của Nga. Đây là một quan điểm gần như phổ biến, ngay cả trong số các nhân vật đối lập Điẹn Kremlin như Alexei Navalny.

Trong khi hầu hết người Nga có thể chấp nhận việc mất Berdiansk hoặc Mariupol trên bờ biển Đông Nam Ukraine, hay sự thiếu nhiệt tình mà họ thể hiện đối với ngay cả một TP chiến lược như Kherson, khả năng họ đoàn kết về việc bảo vệ bán đảo Crimea là rất lớn, kéo theo khả năng leo thang chiến sự hoặc thậm chí là việc Moscow phải sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ và người dân.

Do đó, giới phân tích nhận định một lựa chọn sáng suốt hơn của Ukraine là tránh tấn công trực tiếp vào bán đảo Crimea. Thay vào đó, Kiev có thể chọn phá vỡ các tuyến phòng thủ của Nga ở đâu đó phía Nam TP Zaporizhzhia - điều được cho có thể khó khăn hơn so với các hoạt động tấn công trước đó do sự tăng viện trợ gần đây của Nga, từ đó khôi phục quyền kiểm soát tỉnh Zaporizhzhia và “thành phố anh hùng” Mariupol ở vùng Donetsk.

Nếu thành công, các tuyến đường cung cấp chính hiện tại của Nga tới Crimea sẽ bị cắt đứt - nhiệm vụ có thể chính thức kết thúc với việc phá hủy cầu Kerch, hiện đang trong quá trình sửa chữa sau vụ tấn công hôm 8/10 vừa qua. Kịch bản này được xem là một chiến thắng chiến lược rõ ràng cho Ukraine, tạo động lực cho Kiev trên bất kỳ bàn đàm phán nào sau đó với Mosvcow.

“Tiến hành một chiến dịch toàn diện để chiếm lại Crimea có thể gây ra phản ứng dữ dội ở Nga, nhưng đặt nó vào tình trạng bao vây, đồng thời làm suy giảm tài sản quân sự của Nga sẽ khiến chính quyền Putin gặp khó khăn, dưới áp lực rất lớn trong nước” - nhà bình luận hàng đầu về chiến tranh, học giả và cựu sĩ quan quân đội Mỹ Mike Martin nêu quan điểm trên The Conversation.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng: “Crimea là một vấn đề cần được giới lãnh đạo Ukraine suy nghĩ thấu đáo và giải quyết… Cách bộ chỉ huy cấp cao Ukraine giải quyết vấn đề này sẽ quyết định diễn biến, cách hành xử và kết quả phần còn lại của cuộc chiến”.

Và bất kể Ukraine chọn con đường nào, cuộc chiến ở Crimea chắc chắn sẽ là vấn đề nghiêm trọng với chính Kiev, bởi nói một cách đơn giản: Chiến tranh sẽ không thể sớm kết thúc.

 

Crimea là một vấn đề cần được giới lãnh đạo Ukraine suy nghĩ thấu đáo và giải quyết… Cách bộ chỉ huy cấp cao Ukraine giải quyết vấn đề này sẽ quyết định diễn biến, cách hành xử và kết quả phần còn lại của cuộc chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin