Khi con dâu "dạy" cả nhà chồng
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi con dâu "dạy" cả nhà chồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ai bảo cưới được con dâu có học, giỏi giang, biết vun vén là một cái phước, chứ riêng với gia đình tôi thì…

Tốt nghiệp đại học, làm ở một công ty lớn chuyên về công nghệ thông tin, nên con dâu tôi tự hào về công việc trí tuệ cũng như thu nhập của mình. Khách đến nhà, đặc biệt là bà con bên chồng, mà chào hỏi sơ sài hoặc quên sót, là con dâu tôi ngay lập tức bắt bẻ xa gần. Cô ấy không ngại bình phẩm rằng, đúng là văn hóa có hạn, hoặc phẩy tay, cho họ là mấy người không đáng chấp nhặt, vì “cũng chỉ biết tới thế thôi”. Nghe mà buồn và sợ khách khứa mất lòng…

Tôi là mẫu phụ nữ cổ điển, ít giao thiệp, sự nghiệp lớn nhất trong đời là chăm sóc chồng cùng hai cậu con trai. Không ít lần, con dâu tôi vô tình, có lẽ là như vậy, kể chuyện bạn bè hay ai đó, cả đời “nuôi trai”, hỏng. Tôi nghe mà chóng cả mặt, nhưng biết bắt bẻ sao đây? Rồi lần khác, lại là đề tài liên quan tới những người phụ nữ “ở nhà chồng nuôi”, sống đơn điệu, buồn tẻ được con dâu tôi hào hứng mang ra mổ xẻ trên bàn ăn với thái độ vô tư nhất có thể. Dù không phải mẫu người dễ chạnh lòng vì “đụng chạm”, tôi làm sao tránh khỏi nỗi ác cảm mơ hồ nào đó, khi con dâu dường như cố tình “tấn công” vào điểm yếu của mình?

Cả nhà tôi quen ăn những thức ăn đơn giản, không hay bày biện cầu kỳ, thế là con dâu tôi công kích rằng, sống như thế thật uổng phí, chỉ biết ăn no chứ không biết hưởng thụ, không biết chiêm nghiệm cái sang cái đẹp. Những thói quen sum vầy bình dị của cả gia đình dần biến mất, thay bằng những buổi tiệc tùng hát hò bia rượu tới khuya. Chưa phải là già, nhưng vợ chồng tôi vẫn cảm giác tủi thân khi thấy mình thừa thãi và chẳng liên quan gì đến mọi cuộc vui trong nhà.

Một lần, tôi tình cờ thấy con dâu “tám” điện thoại với bạn, rằng: “Ôi bà già chồng của mình quê lắm, cả nhà cứ như đồ cổ ấy, cái gì cũng phải... đào tạo lại, mà khó lắm. Họ cổ hủ, bê bối, mọi thứ chỉ muốn quấy quá cho xong. Mình đến khổ”. Tôi cứ tưởng mình đang nghe nhầm, cô ấy đang nói về ai kia chứ không phải gia đình chồng mà mình đã lựa chọn và quyết định trở thành một thành viên trong đó. Con dâu tôi thật sự hối tiếc, hay chỉ là thói quen “buôn dưa lê” than thở của các nàng dâu hiện đại bây giờ?

Giờ thì con dâu tôi đã chuyển đối tượng sang bố chồng. Tính tình chồng tôi dễ dãi, lại hậu đậu và có phần gia trưởng. Theo ý cô ấy, chồng tôi không đáng được “phục vụ” như ông trời như thế, lại còn khuyên tôi nên phân công việc nhà cụ thể cho bố chồng làm vì sợ… “nhàn cư vi bất thiện”. Con dâu nhiều lần tỉ tê rằng, vì tôi nuông chiều mà chồng và con tôi mới trở nên như vậy, tôi vất vả là do mình tự chuốc lấy. Bây giờ có muốn thay đổi cũng khó. Tôi ngẫm nghĩ và thấy đau lòng. Quả là con dâu tôi nói không sai, nhưng cái cách nó khuấy vào nỗi đau của tôi thật không sao chịu nổi.

Không ít lần tôi bắt gặp cô ấy lên lớp con trai mình không chút kiêng dè, ngay cả khi có mặt mẹ chồng. Những câu nặng nề như: “Sao mà anh dở thế không biết, có vậy mà cũng không làm được. Nhà em ấy hả, mấy anh em trai việc nhà cứ làm nhoay nhoáy. Chồng con gì mà vụng về đến ngán ngẩm, mẹ em huấn luyện tụi em kỹ lưỡng thành thạo lắm cơ...” nghe cứ như tôi đang bị trách móc thẳng thừng vào mặt vậy. Ngay cả đứa em chồng còn đang đi học cũng bị chị dâu cho “lên thớt” bằng vô số than phiền mà cô ấy cho rằng “không thể chấp nhận”.

Tôi đã thầm nghĩ rằng, con dâu mình trẻ người non dạ, háo thắng và ương bướng, chứ thâm tâm không phải người xấu. Nó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con trai mình là đủ bù đắp những thiếu sót hoặc chút khó chịu khác, nếu có. Nhưng hỡi ôi, cô ấy lại tự cho mình cái quyền phải “chấn chỉnh” lại tác phong, sinh hoạt của gia đình chồng, mà chưa bao giờ nhận biết câu “nhập gia tùy tục” hoặc điều chỉnh bản thân đôi chút cho phù hợp với nền nếp có sẵn trong nhà. Cuộc sống của gia đình tôi bỗng trở nên nặng nề vì những lý do không đáng có.