Khi con học kém

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khổ lắm cơ, chị à, em đang không biết phải xử trí thế nào với cô con gái rượu đây”, vừa gặp bạn, chị đã than thở.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Rồi chị kể, hai vợ chồng chỉ có đứa con gái duy nhất, nên đầu tư cho học hành đến nơi đến chốn. Họ không bắt con làm bất cứ việc gì, dù đã 13 tuổi. Những năm học tiểu học, cháu đều là học sinh giỏi, nhưng từ năm lên cấp II lại học hết sức bình thường. Vợ chồng chị la rầy, cháu chỉ khóc. Nhìn con vất vả chạy theo lịch học của bố mẹ cũng thấy tội nghiệp, nhưng không thể chấp nhận việc con học kém hơn bạn bè, họ ra sức thúc ép, quát mắng cũng có, rồi cả đe dọa về một tương lai không mấy sáng sủa với cháu cũng có. Nhưng cô bé học vẫn không thể đạt đến kỳ vọng của bố mẹ. Anh chị sẽ còn thúc ép con nữa nếu không có lần vô tình phát hiện ra cháu viết nhật ký, trong đó có dòng "giá mình không phải là con của bố mẹ thì đỡ khổ hơn".

Chị bảo: “Đúng là mình chỉ cố gắng thúc ép mà không để ý đến thái độ của con. Cháu giờ cứ nói đến học là xanh mặt, nhưng chả lẽ lại để nó học kém, thật không biết làm sao”. Nghe chuyện, người bạn nói: “La mắng, sử dụng hình phạt... không phải là cách giúp đỡ con học tốt hơn đâu. Không những thế, những điều nói trên còn tạo ra sự phản kháng ở con cái, nhất là khi trẻ đang ở lứa tuổi mới lớn, có tính tự ái cao. Chị nên chấp nhận và động viên con để cháu cố gắng hết sức mình, chứ đừng thúc ép thái quá”.

Rồi người bạn phân tích, khi học chỉ đạt trung bình, cháu cũng rất buồn. Lúc này có người cảm nhận và chia sẻ với mình, cháu sẽ bớt mặc cảm, xấu hổ. Đừng dùng những câu nhận xét mang tính “chụp mũ” như “dốt”, “ngu đần”, mà cần nói lên nỗi thất vọng của mình bằng những từ ngữ diễn tả cảm xúc. Chẳng hạn mẹ có thể nói với con: “Mẹ không ngờ dạo này con học kém đi”, bố có thể bảo: “Chắc con cũng buồn lắm, thôi cố gắng lần sau, thua keo này, ta bày keo khác”. Cuối cùng, anh chị nên bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân. Trẻ học kém có hai dạng. Một là năng lực “chỉ có vậy”. Nếu từ trước đến nay, chúng chỉ học ở mức độ “trung bình”, cố gắng lắm cũng không vượt lên được... thì anh chị đừng cầu toàn. Dạng thứ hai là do mải chơi, lười học, mất kiến thức cơ bản, có những xáo trộn tâm lý... Tùy từng nguyên nhân mà có cách khắc phục khác nhau. “Còn chuyện cháu viết trong nhật ký chỉ nói lên rằng kỳ vọng của anh chị đang gây sức ép cho cháu. Giá cháu là con của một gia đình khác, cháu sẽ đỡ khổ hơn. Vậy thì hãy tháo gánh nặng tâm lý cho cháu để cháu vui vẻ học tập theo đúng năng lực mà mình có” - người bạn cười, bảo chị: “Đấy, chính con đã cho chị gợi mở nguyên nhân rồi đó”.