Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi công sở nhuốm màu "tháng ăn chơi"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tết năm nay, các công chức được nghỉ 9 ngày, một số công ty cho nghỉ tận 11 ngày.

KTĐT - Tết năm nay, các công chức được nghỉ 9 ngày, một số công ty cho nghỉ tận 11 ngày. Ai cũng hân hoan vì được nghỉ lâu, để rồi khi thời điểm đi làm cận kề lại giật mình vì “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Trở lại công sở sau thời gian nghỉ Tết kéo dài, không ít người thấy… hoảng vì đã quen vui chơi, nay phải đụng đầu đánh cốp vào công việc.

Tết năm nay, các công chức được nghỉ 9 ngày, một số công ty cho nghỉ tận 11 ngày. Ai cũng hân hoan vì được nghỉ lâu, để rồi khi thời điểm đi làm cận kề lại giật mình vì “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Nghỉ lâu, sướng mà cũng khổ

“Nghĩ đến thứ hai phải đi làm mà tớ muốn ốm quá”, Hương Giang, 27 tuổi, nhân viên một công ty TNHH ở Hà Nội, than thở, “Năm nào ngày đầu tiên đi làm cũng chỉ loanh quanh chúc Tết nhau, nhưng năm nay sếp tuyên bố là không có chuyện đó, vì nghỉ dài rồi”. Đã quen nếp hết ăn lại chơi, hết hát hò đến phim ảnh, suốt nhiều ngày liền không phải nghĩ đến doanh số, nay nghĩ đến việc phải quay lại với những áp lực này, cô thấy oải ghê gớm.

Rất nhiều người lao động khác có cùng tâm trạng của Giang khi phải quay trở lại cơ quan. “Nói thì bảo nghỉ ít cũng kêu, nghỉ nhiều cũng kêu, nhưng quả thực nghỉ càng lâu thì càng ngại đi làm”, Hoàng Trung, trưởng phòng marketing một công ty trên đường Tây Sơn (Hà Nội), nói. Suốt chục ngày nghỉ Tết, anh “chìm” trong các cuộc nhậu, ngày ngủ đêm thức, cơ thể mặt mũi đều nặng nề, và đặc biệt là đầu óc cứ ỳ ra. Đến ngày đi làm cũng là lúc Trung muốn được nghỉ ngơi ít hôm để cơ thể cân bằng trở lại.

Ngay cả người làm “sếp” cũng ngại đến công ty, như chị Mai Anh, 33 tuổi, phó giám đốc một công ty, sống ở tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Ra giêng là phải đối mặt ngay với mấy dự án khó ‘nhằn’, nên đôi khi cũng muốn trốn. Đó là chưa kể đi làm đúng giờ được cũng là điều nan giải, vì thật khó đánh thức lũ trẻ dậy sớm, cho chúng ăn rồi đưa đi học mà mình vẫn kịp giờ làm, ngay cả vợ chồng mình cũng đã quen ngủ nướng đến 9 – 10h rồi”.

“Khởi động” cho nhân viên

Hơn ai hết, các “sếp” hiểu rất rõ về hội chứng ngại làm sau thời gian nghỉ kéo dài của nhân viên. Anh Nguyễn Văn Thọ, giám đốc một công ty kinh doanh đồ điện ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “Nghỉ Tết xong là hàng loạt lễ hội, đi làm được một tuần lại đến rằm tháng giêng, ngay tôi còn thấy ai oán khi phải đến công ty nữa là, vì ai cũng có tâm lý tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Biết rõ tâm lý này nên anh Thọ có một mẹo để nhân viên của mình không bị “sốc” khi quay lại công sở. Thay vì cho nghỉ hết mùng 8 Tết, anh yêu cầu nhân viên đi làm vào mùng 7. “Là thứ 7 nên theo quy định chỉ làm nửa ngày, và có thể du di cho về sớm, thế là nhân viên vẫn có ngày đầu xuân để chúc tụng, vui vẻ với nhau, để đến thứ 2 làm việc nghiêm túc luôn, không cảm thấy oán thán vì đến cơ quan đã đụng đầu đánh cốp vào công việc nữa”, Thọ nói.

Cũng để “khởi động” cho nhân viên, chị Phạm Thu Trang, giám đốc một công ty thực phẩm đóng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết công ty chị vẫn đi làm từ ngày mùng 9. Tuy nhiên, chị giao hẹn với nhân viên làm việc nghiêm túc ngay từ buổi sáng, cố gắng hoàn thành công việc sớm để 16h tất cả đi ăn tân niên. “Tâm lý đầu xuân ai cũng thích tiệc tùng, nên tôi nghĩ một lời hứa hẹn như vậy sẽ giúp mọi người phấn khởi và không thấy nặng nề với công việc nữa”.

Không nên đặt mục tiêu quá cao

Theo chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám TuNa, phố Vọng, Hà Nội, stress, oải trong những ngày đầu năm là tâm lý chung của hầu hết mọi người, từ nhân viên đến sếp. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ không kéo dài. Và để sớm cân bằng trở lại, bà Linh Nga khuyên nên vạch ra một kế hoạch cụ thể những việc cần làm trong mấy ngày đầu xuân: “Nên đặt ra những mục tiêu dễ thực hiện để không tự gây áp lực cho mình, và đem lại cảm giác phấn khởi khi hoàn thành nó. Việc liệt kê như thế giúp bạn nhanh chóng bắt vào guồng công việc hơn, lấy lại hứng thú”.

Ngoài ra, chuyên gia Linh Nga khuyên nên thu xếp thời gian để vẫn có thể thực hiện những dự định ngoài công việc khác trong “tháng ăn chơi”, chẳng hạn như đi lễ đền, chùa, đi xem hội, thăm viếng nhau… Như thế, bạn vẫn thấy nhẹ nhàng vui vẻ vì được hưởng thụ các thú vui xuân mà công việc vẫn tốt, không cảm thấy chán ngán.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, chán làm việc là một tâm lý rất dễ lây, nhất là nếu bạn túm năm tụm ba than thở về nỗi đầu xuân đã phải làm việc. Vì thế, nếu là nhân viên, nên tránh những “hội đoàn” như vậy, còn nếu là sếp, bạn cũng cần lưu ý để hạn chế việc này.