Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng thấp nhất
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu thuộc VinaCapital vừa được công bố, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là nặng nề, nhưng ít hơn các nước khác.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 3,3% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1. Tăng trưởng GDP Mỹ có thể giảm (-5%) trong năm nay, thay vì tăng trưởng 2% như dự báo trước đó. GDP Thái Lan cũng giảm khoảng -5%, thay vì tăng 3%.
VinaCapital đánh giá, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu. Tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam ít hơn nhiều so với Thái Lan và những quốc gia khác có chiến lược ngăn chặn dịch chậm hơn. Việt Nam đã làm nên điều khác biệt và được thế giới đánh giá cao vì là một trong những quốc gia đầu tiên đã “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19, với tổng số ca nhiễm tăng rất chậm, gần như “bằng phẳng” theo thời gian.
Trước đó, Fitch dự báo GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 3,3%. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc, tăng trưởng GDP chỉ còn 4,8%. Trong khi, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 là 4,9% nhờ Việt Nam hành động kiên quyết, phản ứng chính sách tốt với khủng hoảng.
Theo một nghiên cứu được xuất bản bởi nhà kinh tế học Robert Barro của Đại học Harvard vào tháng trước, nhiều quốc gia có thể phải chịu mức giảm tăng trưởng GDP tới 6% hoặc cao hơn trong năm nay, trong khi hầu hết các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ.
Còn McKinsey dự báo, theo một kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất 60-70%, khi đại dịch được kiểm soát trong khoảng quý III/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh Sự phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V. Trong kịch bản này, cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất.
Khống chế dịch, thuận lợi mở cửa kinh tế
“Lý do khiến kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn - chỉ giảm 3,5% tăng trưởng GDP, so với mức giảm 6 - 7% của nhiều quốc gia khác - là do các biện pháp y tế cộng đồng của Việt Nam rất hiệu quả mà không cần thiết phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế”, VinaCapital nhận định.
Tuần này, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu có kế hoạch để mở cửa trở lại sau các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó dịch Covid-19, với hi vọng qua được giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng dịch đầu tiên. Mặc dù vậy, Ủy ban châu Âu (EC) khuyên các nước thành viên hành động từng bước một, nới lỏng các hạn chế theo giai đoạn, và duy trì một khoảng thời gian giữa mỗi hành động để đánh giá tác động.
Còn với Việt Nam, nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế đánh giá, việc mở cửa lại kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ diễn ra khá suôn sẻ. “Việt Nam nhờ sự kết hợp của hành động quyết đoán, xét nghiệm sâu rộng, kiểm dịch triệt để và đoàn kết xã hội đã tránh được những thiệt hại lớn hơn và kiểm soát số ca mắc Covid-19 ở mức vài trăm, không có ca nào tử vong”- hãng truyền thông Deutsche Presse-Agentur (DPA) của Đức đánh giá.
Tính đến hôm nay 21/4, đã là ngày thứ 5 Việt Nam không có thêm ca nhiễm bệnh. Tại cuộc họp chiều 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tình hình có nhiều tiến triển tốt, cần phải nới lỏng một bước nhưng vẫn ưu tiên các giải pháp phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát đúng mức, tránh tư tưởng chủ quan, coi thường để dịch bệnh quay lại.
Thủ tướng lưu ý tinh thần tự quản tại các địa phương, vận động người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người, không đi lại khi không cần thiết và hạn chế một số ngành, công việc không được khuyến khích hoạt động trong thời điểm này như lễ hội, sự kiện thể thao đông người, hoạt động massage, karaoke, vũ trường, trang điểm, sở thú… "Tiến đến một tình hình bình thường sắp tới nhưng mà bình thường trong điều kiện mới", Thủ tướng định hướng và nhắc lại rằng cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh.
Đón lõng phục hồi: Mô hình kinh tế chữ V với Việt Nam
Dựa trên phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, với các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng, xác suất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt Nam là “mô hình chữ V”. Bởi xác suất dịch bệnh kết thúc trong mùa hè là tương đối cao và Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý.
"Chính qua đợt dịch này mới thể hiện rõ, đâu là thế mạnh của Việt Nam", TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ và dự đoán, sẽ có một sự bùng nổ về nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh. Từ du lịch, ẩm thực, mua sắm kể cả dưỡng sinh, chăm sóc sức khỏe... Vấn đề làm thế nào để chúng ta đón lõng được điều đó?
“Khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh sẽ giữ được uy tín của quốc gia. Du lịch nước ngoài vẫn sẽ đến. Hàng hóa xuất khẩu không bị ghê sợ vì họ biết chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh”- ông Nghĩa nói.
Bằng chứng là chúng ta vẫn xuất khẩu tốt trong bối cảnh dịch dã. Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng sản xuất ở Việt Nam là hàng hóa thứ cấp được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu và được bán cho người tiêu dùng trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở châu Âu.
Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng thứ cấp được bán trong các cửa hàng giảm giá (chẳng hạn như thiết bị thể thao/thảm yoga, đồ chơi thú cưng, đồ làm vườn, dụng cụ nhà bếp thứ cấp, v.v.) thường vẫn ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, chắc chắn sau thời kỳ suy giảm trầm trọng về khách du lịch do dịch bệnh, sẽ có một giai đoạn trì trệ và hoạt động cầm chừng. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam. Chính vì thế, ngay từ lúc này, nhiều DN du lịch đã nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy, định hướng lại thị trường và đặc biệt là đổi mới sản phẩm du lịch, đón đầu xu hướng bùng nổ trở lại của du lịch.
“Một tín hiệu đáng mừng là Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu, thu hút du khách đến với Việt Nam”, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho hay.
Thời gian này, các DN cũng tận dụng để cải thiện bộ máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới chờ thị trường khởi sắc. Rất nhiều DN uyển chuyển đã chuyển đổi mô hình kinh doanh để phục vụ nhu cầu phát sinh mùa dịch. Một số khác tận dụng cơ hội này để xây dựng hình ảnh thương hiệu. PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, điều hành chính sách và kinh tế Việt Nam đang được biểu hiện rõ trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và cũng chứng minh cho tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành và quản lý. Đây chính là thời cơ tốt để nhân rộng hơn nền tảng số, không gian số, chuyển đối số.
Nền kinh tế như chiếc lò xo đang bị dồn nén lâu ngày phải bật ra, Thủ tướng lưu ý, biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn quyết tâm về một Việt Nam thịnh vượng.