Trước sự việc này, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế và pháp luật cho rằng đây là chủ trương có lợi cho DN, nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Để không vi phạm quy định cạnh tranh, vừa khai thác thế mạnh DN Nhà nước (DNNN) trong khối thì không đơn giản!
Tích cực
Được biết, trước khi có sự giao kết, nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng đã thực hiện chủ trương này trong đơn vị của mình. Tập đoàn Dệt may (Vinatex) khuyến khích các đơn vị trong Tập đoàn sử dụng sản phẩm, nguyên liệu, dịch vụ của nhau nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa... Hoặc Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) đẩy mạnh hợp tác với nhiều DN trong khối như Dầu khí (PVN), Than Khoáng sản (TKV), Vinatex. Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng hợp tác mua than của TKV từ 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm. Vinatex đã liên kết hợp tác cung cấp các sản phẩm đồng phục và bảo hộ lao động cho 9 đơn vị.
Tổng Công ty Đường sắt đã ký kết hợp đồng vận chuyển với gần 10 tập đoàn, tổng công ty trong khối vận chuyển với giá cước ưu đãi. Tổng Công ty Cà phê đang hợp tác sử dụng khoảng 140.000 tấn phân bón của Đạm Cà Mau và Công ty CP Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có một loạt hợp tác của các DNNN lớn khác…
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Thanh Thảo - Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Hiệp Quốc nhận định: “Về lý thuyết, khi các DN nội khối có giao kết “ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” sẽ kích thích, thúc đẩy các DN này phát triển hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên tinh thần “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN mình; nâng cao năng lực nội địa hóa sản phẩm và gia tăng hàng hóa tiêu thụ nội địa; giúp giải phóng hàng tồn kho để giải quyết bài toán về vốn và nợ tồn đọng làm suy yếu năng lực sản xuất, kinh doanh của DN; sử dụng vốn liên kết của Nhà nước được hiệu quả hơn do tạo lợi thế cho vốn lưu động lưu thông; giúp tái cấu trúc nguồn lực hiệu quả thông qua việc chủ động về sản lượng tiêu thụ để gia tăng hiệu suất hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải pháp tình thế để giải quyết nợ xấu giúp lưu thông hàng hóa, sản phẩm…”.
Phải trên tinh thần cạnh tranh thị trường
Dù có nhiều mặt tích cực song, các tập đoàn, tổng công ty cũng cho rằng, quá trình thực hiện thỏa thuận vẫn còn nhiều hạn chế. Dễ thấy nhất là hàng sản xuất trong nước vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập và nhiều mặt hàng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Bà Thảo nhận xét: Chuyện hợp tác của các DN trong khối phải dựa trên hiệu quả năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả, chiến lược kinh doanh... thì mới hiệu quả. Hiện, việc sử dụng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của nhau ở một vài đơn vị nói trên chủ yếu vẫn theo quy luật cung - cầu mang tính đơn lẻ chưa tìm được tiếng nói chung, chưa có kế hoạch điều phối thống nhất. Vì vậy, sẽ làm suy yếu năng lực cạnh tranh và dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về chất lượng, giá cả sản phẩm và tinh thần phục vụ khách hàng của các DN này.
“Nếu sản phẩm đơn điệu, chất lượng chưa đảm bảo, thua xa hàng nhập khẩu thì e rằng chủ trương này sẽ không hiệu quả. Khi đó, rất dễ phát sinh tình cảnh sau khi ký hợp tác, DN A sẽ mua hàng hóa chất lượng kém của DN B rồi đem về cất trong kho, rất lãng phí” - bà Thảo cảnh báo.
Trong khi đó, việc nội địa hóa sản phẩm sẽ không hiệu quả bởi vẫn phụ thuộc vào nhập siêu nguyên liệu và sản xuất mang tính gia công để tiêu thụ nội địa. Nếu giải quyết bài toán vốn tồn đọng theo kiểu “bình mới, rượu cũ” để ghi nhận chu kỳ kinh doanh mới, tăng trưởng mới của ngành nhưng thực chất không giải quyết được vấn đề cốt lõi như mong muốn, việc cứu cánh giải quyết nợ xấu của nhau bằng chiêu thức thương mại này sẽ không khả thi. Trong một lần trả lời báo chí năm 2014 về vấn đề hợp tác dùng hàng của nhau trong các tập đoàn, tổng công ty, PGS.TS Hà Văn Hội (ĐH Quốc gia Hà Nội) có cho rằng: Chủ trương của Bộ Công Thương cũng không phải là “chiếc đũa thần” để có thể giúp một số DNNN giảm bớt gánh nặng nợ nần do đầu tư kém hiệu quả trong thời gian qua.
Chỉ nên khuyến khích sử dụng sản phẩm của nhau trên tinh thần “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” theo nền kinh tế thị trường vì lợi ích của người mua và người bán bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo năng lực cạnh tranh với xu hướng hội nhập và tự do mậu dịch.
Hoàn thiện sản phẩm tại nhà máy dầu nhờn Thượng Lý. Ảnh: Thanh Thảo
|