Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi doanh nghiệp Việt bắt tay Amazon

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử (TMĐT) được coi là vị cứu tinh, trở thành công cụ quan trọng nhất để DN mở rộng kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa. Do đó, việc các DN Việt bắt tay với gã khổng lồ TMĐT Amazon là tín hiệu đáng mừng.

Amazon - kênh hữu hiệu vươn ra thế giới
Ảnh hưởng của Covid-19, Amazon cũng như các kênh bán hàng trực tuyến khác đóng vai trò ngày càng quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm, cũng như duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện Amazon đang vận hành tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ với hơn 300 triệu tài khoản khách hàng. Bởi vậy, khi tham gia vào sân chơi này, DN Việt chắc chắn sẽ được hưởng lợi khi có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu. Điều đó càng được khẳng định sau “cú bắt tay” hợp tác chiến lược giữa Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T Group, với sự hỗ trợ của Ngân hàng SHB với các chương trình hỗ trợ cho DN Việt mở rộng kinh doanh, xuất khẩu... với mục tiêu nâng tầm thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới.
 Hợp tác chiến lược giữa Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T Group, với sự hỗ trợ của ngân hàng SHB sẽ tạo cơ hội xuất khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Ảnh: Hoàng Anh
Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, để thúc đẩy các hàng hóa, sản phẩm của DN Việt đến thị trường toàn cầu đã có rất nhiều các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại mời gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi có các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, DN phải dựa trên nền tảng bán hàng online, trong đó có rất nhiều giải pháp, nhất là bán hàng trực tuyến bằng công nghệ giúp người tiêu dùng hơn 200 quốc gia trên thế giới tiệm cận, tiêu thụ các sản phẩm của Việt Nam.

Về phương thức này, phải có một niềm tin lâu dài, sự đầu tư bài bản về công nghệ, nhân lực am hiểu ngoại ngữ, bố trí làm việc theo thời gian vì múi giờ mỗi quốc gia khác nhau mới đạt được kết quả giao thương khả quan. Lưu ý nữa là các sản phẩm hàng hóa phải đạt theo đúng quy cách, quy trình của từng nước sở tại yêu cầu khác nhau, đặc biệt đối với các ngành liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày... “Chỉ có xuất khẩu các DN Việt mới đủ khả năng cạnh tranh và Amazon là một kênh hữu hiệu” - ông Mạc Quốc Anh nói.

Điểm tựa vững chắc

Theo báo cáo của McKinsey & Company, tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng tới 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ. Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam Trần Xuân Thủy dẫn chứng thêm, một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore, tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch kết thúc. Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Amazon đã cập nhật nhanh chóng các chính sách và hướng dẫn cụ thể các quy trình cho người bán hàng trên toàn cầu như chương trình miễn giảm một phần phí lưu kho trong dịch vụ Hoàn thiện đơn hàng của Amazon (Fulfillment by Amazon - FBA), hay chương trình Tự hoàn thiện đơn hàng (Merchant Fulfilled Network - MFN)…

Với 7 năm hình thành và phát triển tại thị trường Mỹ, CEO T&T Hoa Kỳ Đỗ Quang Vinh cho biết, T&T Hoa Kỳ có văn phòng với đội ngũ nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản, vì vậy đủ kinh nghiệm tự tin hỗ trợ, tư vấn cho các DN Việt cách thức tiếp cận thị trường và khách hàng Mỹ. Cũng như thành lập văn phòng đại diện, hoặc đăng ký hoạt động kinh doanh tại nước sở tại, giới thiệu, kết nối với các đối tác lớn đưa các sản phẩm Made in Vietnam đến với người tiêu dùng nhanh, thuận lợi thông qua Amazon.
CEO này chỉ ra, các DN Việt thường ít quan tâm đến chi phí lưu kho do đối tác trả lại sản phẩm, do đó T&T Hoa Kỳ sẽ tư vấn chuẩn bị trước việc này, cũng như điều chuyển hàng tránh chi phí phát sinh... Đơn cử, với mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, thị trường Mỹ đòi hỏi phải có các giấy chứng nhận rất chặt chẽ, DN Việt phải vượt qua những bài kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn... T&T Hoa Kỳ sẽ giới thiệu đến các đơn vị hỗ trợ nhanh, thuận tiện nhất nhằm giúp cho các DN Việt có thể lựa chọn sản phẩm, đưa ra chiến lược phù hợp nhất khi tham gia vào sân chơi xuất khẩu trên nền tảng TMĐT xuyên biên giới.

Amazon được biết đến là “gã khổng lồ” dẫn đầu nền TMĐT toàn cầu. “Sản phẩm của cộng đồng DN với thương hiệu Việt sẽ đến được với hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới. Thông qua Amazon, thế giới sẽ hiểu hơn về Việt Nam, về những sản phẩm thế mạnh, về trí tuệ cũng như bàn tay khéo léo của người Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào. T&T Group với T&T Hoa Kỳ sẽ là điểm tựa vững chắc để DN đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới” - CEO Đỗ Quang Vinh tự tin.

"Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng phát triển TMĐT xuyên biên giới, với lợi thế về đội ngũ lao động trẻ, tài năng và một cộng đồng trực tuyến mạnh mẽ. Dựa trên động lực này và những cố gắng từ đội ngũ nhân sự, Amazon Global Selling châu Á sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các công nghệ và giải pháp thông minh tiên tiến nhất, để hỗ trợ các đối tác bán hàng của Amazon tại Việt Nam tiếp cận khách hàng tiềm năng cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu." - Giám đốc Quản lý bán hàng quốc tế Amazon khu vực Đông Nam Á Bernard Tay


"Thực hiện “mục tiêu kép”, việc DN nhận ra được các tính ưu việt trong kinh tế số là đòi hỏi cấp bách để có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để DN có thể đẩy mạnh bán hàng trên Amazon, hiểu rõ sàn TMĐT này là một yêu cầu quan trọng với sự nỗ lực bản thân, sự hỗ trợ của cả xã hội. " - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền