Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khí đốt và LNG mấu chốt cho sự phát triển kinh tế hướng tới bền vững

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - LNG là một trong những mấu chốt để phát triển kinh tế, cũng như phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng hướng tới sự bền vững, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cũng cần những cơ chế để LNG đi vào cuộc sống...

Nhu cầu cao và những vướng mắc

Nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng khí đốt, hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và những cải cách chính sách quan trọng. Khi nhu cầu về khí đốt của quốc gia dự kiến tăng trung bình 12% mỗi năm, nhu cầu có thể tăng gấp 3 lần vào giữa những năm 2030.

Kiểm tra kỹ thuật và nạp LNG vào ISO Tank tại Kho LNG Thị Vải. Ảnh Khắc Kiên
Kiểm tra kỹ thuật và nạp LNG vào ISO Tank tại Kho LNG Thị Vải. Ảnh Khắc Kiên

Phó Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Wood Mackenzie Joshua Ngu cho biết, ngành điện lực sẽ tiếp tục dẫn đầu trong tiêu thụ khí đốt, với dự báo nhiên liệu này sẽ đóng góp tới 14% tổng sản lượng điện vào năm 2030.

“Khi sản lượng điện từ than chững lại trong giai đoạn tới và năng lượng tái tạo tiếp tục đối mặt với những thách thức như hiệu suất gián đoạn hay các hạn chế của lưới điện, khí đốt và LNG sẽ là những nguồn nhiên liệu quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững” - ông Joshua Ngu cho biết.

LNG đang đòi hỏi tất yếu cho phát triển. Ảnh Khắc Kiên
LNG đang đòi hỏi tất yếu cho phát triển. Ảnh Khắc Kiên

Bên cạnh nhu cầu khí đốt được dự báo tăng lên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức trong sản lượng nội địa. Các mỏ khí hiện tại - chủ yếu nằm ở khu vực Đông Nam Bộ - đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung khí đốt nội địa giảm 25% trong 5 năm qua. Tuy nhiên, với những dự án phát triển gần đây như Quyết định đầu tư (FID) Lô B ở Lưu vực Malay dự kiến sẽ tăng thêm 0,4 tỷ feet khối (tương đương 11.3 triệu m3) sản lượng khí đốt mỗi ngày vào năm 2030.

Ngoài ra, việc xây dựng đường ống dẫn khí từ lô hợp đồng phân chia sản lượng dầu khí Tuna (Indonesia) ở Biển Natuna được kỳ vọng sẽ có thể vận chuyển khí đốt cho Việt Nam kể từ những năm 2030 trở đi.

Wood Mackenzie dự đoán trong tương lai, lượng khí đốt Yet-To-Find (YTF) sau năm 2030 sẽ được phân bổ ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Nghiên cứu của Wood Mackenzie cho thấy, Việt Nam chỉ đang hoàn toàn tiếp xúc với thị trường khí LNG mua và giao ngay, chưa ký bất kỳ hợp đồng mua bán LNG dài hạn nào.

Xuất phát từ thực tế, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thực hiện chuyến tàu vận chuyển LNG Nam – Bắc đầu tiên của PV GAS là kết quả minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và khả năng thích ứng linh hoạt trong kỷ nguyên năng lượng mới. Quyết tâm triển khai thành công mô hình kinh doanh năng lượng tích hợp và nỗ lực hoàn chỉnh chuỗi giá trị năng lượng. 

Đại diện doanh nghiệp cho biết, đứng trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của các trung tâm kinh tế, công nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt là phía Bắc và với hiện trạng cơ sở hạ tầng LNG tại các khu vực này cần thêm thời gian để phát triển và hoàn chỉnh, bài toán cung cấp LNG đến các thị trường ở xa trung tâm đầu mối nhập khẩu (LNG Hub) là một thách thức rất lớn đối với PV GAS. 

PV GAS không những khẳng định năng lực, thương hiệu PV GAS trong lĩnh vực LNG tại Việt Nam, mà còn thể hiện vai trò đơn vị tiên phong trong định hướng trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng của Petrovietnam.

Đón chào chuyến tàu chở LNG đầu tiên về đến ga Đông Anh (Hà Nội). Ảnh Khắc Kiên
Đón chào chuyến tàu chở LNG đầu tiên về đến ga Đông Anh (Hà Nội). Ảnh Khắc Kiên

Từ thực trạng phát triển, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phân tích các khó khăn, vướng mắc chung về cơ chế chính sách trong phát triển dự án điện khí LNG, trong đó, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đối với các dự án đầu tư. Cơ chế tài chính và thu xếp vốn gặp vướng mắc do vượt quy định về giới hạn tỷ lệ an toàn tín dụng 15% vốn điều lệ khi cho vay theo quy định.

Đáng chú ý, TS. Nguyễn Quốc Thập chỉ ra hầu hết các dự án điện không thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ. Hiện chưa đủ cơ sở pháp lý thay thế bảo lãnh Chính phủ để có thể vay vốn/thu xếp vốn cho các dự án, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Về khó khăn, thách thức trong phát triển dự án điện khí – LNG, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, thị trường tiêu thụ tăng trưởng chậm so với mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. Trong khi đó, khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết thỏa thuận về pháp lý – kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án liên quan đến khí LNG vẫn chưa hoàn thiện.

Cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG chưa có hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư tham gia; Chưa có cơ chế bảo lãnh bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí – LNG.

"Việt Nam hiện cũng chưa có quy định bên mua điện thực hiện bao tiêu sản lượng điện đối với điện khí LNG và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các nhà máy điện khí LNG", TS. Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.

Gợi mở để phát triển bền vững

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án điện khí LNG, TS. Nguyễn Quốc Thập đưa ra các nhóm giải pháp. Trong đó, khí LNG cần được hấp thụ hay tiêu thụ bởi các khu công nghiệp, hay các nhà máy chế biến và nói rộng hơn là nền kinh tế.

Kho vận LNG của PV GAS. Ảnh Khắc Kiên
Kho vận LNG của PV GAS. Ảnh Khắc Kiên

"Cần sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, nhằm tạo thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện khí LNG" - TS. Nguyễn Quốc Thập nói.

Chuyên gia Nghiên cứu và Phân tích lĩnh vực Khí đốt & LNG của Wood Mackenzie Raghav Mathur, thiếu hụt trong nguồn cung khí LNG theo hợp đồng, cùng với nguồn tài nguyên trong nước ngày càng cạn kiệt, làm tăng nguy cơ biến động giá ở Việt Nam cũng như nguy cơ mất điện hoặc phân phối khí đốt trong tương lai. “Sự chênh lệch giữa giá điện sản xuất từ khí LNG, các hợp đồng mua bán điện, các dự án điện khí LNG chưa có nhiều tiến triển đã và đang trở thành những trở ngại đáng kể đối với việc ký kết hợp đồng LNG tại Việt Nam”, vị này nói.

Nghiên cứu chỉ ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt mới sẽ giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt. Mạng lưới đường ống chính của Việt Nam hiện tập trung ở khu vực phía Nam, nơi có trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh. Hai kho cảng khí LNG đã được xây dựng ở miền Nam Việt Nam, với cảng LNG Thị Vải đã hoạt động và cảng Hải Linh dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9/2024. Một số công trình kho cảng LNG khác đang ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi và dự kiến có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.

Theo Chuyên gia Nghiên cứu về Khí đốt & LNG tại Wood Mackenzie Yulin Li, để Việt Nam tận dụng triệt để tiềm năng của khí đốt và LNG, cần có một cơ chế năng lượng chuyên biệt để tập trung vào chính sách và quy định về năng lượng. “Một khung chính sách mạnh mẽ là điều cần thiết để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt trung và hạ nguồn”, bà Li nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, Việt Nam nên phát triển thêm quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp có khả năng đáp ứng yêu cầu của quốc gia. Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp uy tín đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến PETRONAS.

 

Theo Quy hoạch Điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất bổ sung từ các dự án điện khí (30.424MW) và điện gió ngoài khơi (6.000MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.