Khi hiến máu trở thành một nội dung của môn học ĐH

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những ngày hè nóng bức, một nhóm các bạn sinh viên bận rộn khiêng dụng cụ y tế của Viện Huyết học vào phòng, sau đó lại kê dọn bàn tư vấn, tươi cười vận động mọi người cùng tham gia hiến máu.

Những công việc này được các bạn làm đầy hăng hái và nhiệt tình. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, không hiểu đơn vị nào tổ chức một chương trình hiến máu khá chuyên nghiệp như vậy. Và khi tìm hiểu ra sự thật, không ít người phải thốt lên thán phục.

Chương trình hiến máu, phối hợp tổ chức với Viện huyết học, chính là một hoạt động của môn học Giáo dục Trải nghiệm của sinh viên thuộc chương trình đào tạo Cử nhân khoa học ngành Quản lý, liên kết giữa khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội với ĐH Keuka, Mỹ.

Đây là môn điều kiện để tốt nghiệp nên bất kỳ sinh viên nào cũng tích cực tham gia, thể hiện khả năng thiết kế, tổ chức của mình. Mục tiêu của môn học Giáo dục Trải nghiệm khá thú vị: giúp sinh viên gần gũi hơn với cuộc sống, với xã hội và có thêm được những trải nghiệm thực tế, những điều mà các em có thể chưa nắm bắt được khi học qua sách vở. Như vậy, 80 sinh viên của hai lớp phải tự tìm hiểu và thiết kế được các hoạt động xã hội, giúp đỡ cộng đồng. Ba hoạt động đã ra đời theo yêu cầu của môn học là Chung tay vì một màu xanh, Trao một yêu thương, nhận vạn nụ cười và Ngày hội giọt hồng.

Mỗi một chương trình đều được các bạn sinh viên thực hiện chu đáo, từ khâu thiết kế, tổ chức cho đến thực hiện. Như với chương trình Ngày hội giọt hồng, sau khi đã thống nhất ý tưởng tổ chức ngày hiến máu tại khoa Quốc tế, các bạn sinh viên đến Viện Huyết học để liên hệ, nhờ hướng dẫn về cách thức tổ chức chương trình, cách tư vấn và chăm sóc cho người tình nguyện hiến máu.

Sau đó, sinh viên hai lớp cùng họp bàn và chia thành bốn nhóm để thực hiện chương trình. Nhóm 1 là nhóm Tư vấn, có nhiệm vụ hướng dẫn và chăm sóc cho người hiến máu. Nhóm 2 là Hậu cần, giữ nhiệm vụ chăm lo cho những người tình nguyện. Nhóm 3 là Truyền thông, có nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về chương trình đến tất cả mọi người. Nhóm 4 là nhóm Tổ chức, giữ trọng trách sắp xếp các hoạt động sao cho thật hiệu quả. Mục tiêu của chương trình là huy động được từ 50 - 100 người tham gia hiến máu, chung tay giúp đỡ những bệnh nhân trong mùa khan hiếm máu. Kết quả là sau một ngày tổ chức tham gia nhiệt tình, các sinh viên đã vận động được 74 người tình nguyện hiến máu. Con số này thực sự gây ấn tượng bởi đây là lần đầu tiên các bạn sinh viên tự đứng ra thiết kế, thực hiện một chương trình quy mô, mang nhiều ý nghĩa đến như vậy.

Với những sinh viên đang theo học chương trình đào tạo cử nhân khoa học ngành Quản lý, các bạn tâm sự thấy mình trưởng thành hơn nhiều, thêm nhiều trải nghiệm thực tế, thêm vốn sống và những bài học ý nghĩa. Bạn Lê Minh Huyền, sinh lớp VISK2010B, chia sẻ: “Chúng em rất vui và tự hào khi được tổ chức và tham gia vào những hoạt động xã hội có ích. Em không thể quên được chương trình Trao một yêu thương, nhận vạn nụ cười, chương trình giúp đỡ tại làng trẻ em Hòa Bình. Cả lớp cùng đi vận động ủng hộ, quyên góp được gần 3 triệu đồng để mang đến giúp đỡ các em nhỏ ở đây. Ngoài ra, các bạn còn đến giúp dọn vệ sinh trong khuôn viên và chơi với các em nhỏ của làng trẻ. Thật bất ngờ, trong ngày hiến máu nhân đạo, một em trong làng trẻ đạp xe đến tận khoa Quốc tế để giúp chúng em tổ chức chương trình. Cả lớp em vô cùng cảm động. Không hiểu vì sao em ấy lại biết mà đạp xe đến tận nơi để giúp đỡ”.

Em Đỗ Thị Thanh Hoan cho biết thêm: “Môn học Giáo dục Trải nghiệm vô cùng hữu ích với em. Môn học giúp chúng em có những kinh nghiệm thực tế quý báu, những kinh nghiệm, trải nghiệm chưa có trong sách vở hay những bài học trên lớp, giúp chúng em gần gũi với cuộc sống xã hội hơn. Không những thế, sau khi cùng nhau tổ chức những hoạt động như vậy, các thành viên trong lớp thấy gắn kết với nhau hơn, hiểu nhau hơn bởi tất cả mọi người đã cùng nhau đối mặt và giải quyết những khó khăn trong công việc”.

Nhận xét về cách thức tổ chức môn học của sinh viên khoa Quốc tế, giảng viên người Mỹ, thầy Don Howard, nói: “Các bạn sinh viên tổ chức chương trình khá tốt, khá chuyên nghiệp. Mỗi bạn đều thể hiện sự tận tình, chu đáo, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng”.

Trong thời gian trở lại đây, xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, các chương trình đào tạo đại học, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, luôn chú trọng việc hình thành kỹ năng mềm cho sinh viên. Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới... là những điều thường không được học trên giảng đường. Môn học giáo dục Trải nghiệm với yêu cầu thiết kế, tổ chức được các hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng đã xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên. Chỉ sau bốn hoạt động, các bạn sinh viên đã rèn luyện cho mình cách tư duy sáng tạo, cách xây dựng, tổ chức một chương trình, cách phối hợp làm việc theo nhóm và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách.