Khi học sinh tham gia bảo vệ rừng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với ngành GD&ĐT thị xã Sơn Tây tổ chức tuyên truyền sâu rộng về pháp luật bảo vệ rừng đối với học sinh.

Hiệu quả đổi mới của hình thức tuyên truyền đã giúp học sinh nâng cao nhận thức, lan tỏa nhiều hành động đẹp đến gia đình và cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” của Thủ đô.

Tiết mục tiểu phẩm trong buổi truyền thông về bảo vệ rừng của các em học sinh trường Trung học cơ sở Trung Hưng (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Ánh Ngọc  
Tiết mục tiểu phẩm trong buổi truyền thông về bảo vệ rừng của các em học sinh trường Trung học cơ sở Trung Hưng (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Ánh Ngọc  

Nhân lên tình yêu và trách nhiệm với rừng

Việc lựa chọn truyền thông về bảo vệ rừng qua hệ thống trường học là hình thức có ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao. Nhà giáo Phạm Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) cho biết, ngay từ đầu năm học 2022, nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền công tác bảo vệ rừng vào chương trình học chính khóa và hoạt động ngoại khóa ở cả 4 khối lớp.

Theo đó, trong các tiết học môn Khoa học tự nhiên, Địa lý, các thầy cô giáo truyền đạt cho học sinh tầm quan trọng, ý nghĩa, những hành động, việc làm thiết thực để bảo vệ rừng như: Bảo vệ rừng của địa phương, bảo vệ rừng tại nơi cư trú và trồng thêm cây xanh tại trường.

Trong tháng 10/2022, nhà trường đã tổ chức buổi ngoại khóa với thông điệp “Chung tay bảo vệ rừng – lá phổi xanh của trái đất” thu hút sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của học sinh. Buổi ngoại khóa sôi nổi, hấp dẫn với hình thức sân khấu hóa và giao lưu toàn trường giúp học sinh dễ tiếp cận, dễ nhớ... Qua hoạt động này, nhiều học sinh đã tự tin hơn về giao tiếp và trở thành tuyên truyền viên tích cực lan tỏa công tác bảo vệ rừng tới gia đình và xã hội.

Chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên được tham gia tiểu phẩm biểu diễn tại buổi ngoại khóa toàn trường, em Trần Anh Kiệt, học sinh lớp 8A1 - trường THCS Trung Hưng chia sẻ: “Với sự gợi ý của cô giáo chủ nhiệm, tổ tiểu phẩm của chúng em gồm 5 bạn đã lên ý tưởng kịch bản và tập luyện nghiêm túc. Tình huống trong tiểu phẩm là có hai người bố bàn nhau đi chặt cây rừng để kiếm tiền. Vô tình chứng kiến câu chuyện trên, hai người con đã báo với bác trưởng thôn đến nhà giảng giải về pháp luật bảo vệ rừng cho hai người bố, nhờ vậy mà hành vi chặt phá rừng đã được ngăn chặn kịp thời”.

Tiểu phẩm sinh động, gần gũi đã giúp Kiệt và hàng trăm học sinh trường THCS Trung Hưng thêm hiểu biết về rừng, thêm yêu rừng từ đó lan tỏa ý thức tự giác, chung tay bảo vệ rừng đến cộng đồng”.

Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên

Nói về những điểm mới trong công tác truyền thông bảo vệ rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, năm nay, công tác tuyên truyền được truyền tải tới các em học sinh tại 9 trường THCS trên địa bàn 9 xã, phường có rừng thuộc thị xã Sơn Tây gồm: THCS Cổ Đông, THCS Sơn Đông, THCS Trung Sơn Trầm, THCS Kim Sơn, THCS Thanh Mỹ, THCS Xuân Khanh, THCS Trung Hưng, THCS Xuân Sơn và THCS Đường Lâm.

Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền, in ấn và lắp đặt banner tuyên truyền các văn bản quy định trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, những hình ảnh minh họa tác hại của việc khai thác, chặt, phá, đốt rừng, nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Theo đó, mỗi trường nhận và phát 200 cuốn tài liệu và lắp đặt 3 biển banner tuyên truyền tại khuôn viên trường.

Chi cục xác định rõ, tuyên truyền cho đối tượng học sinh là việc làm quan trọng, cần thiết, để mỗi học sinh là tuyên truyền viên tích cực trong định hướng xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng mang tính bền vững, lâu dài. Vì vậy, mỗi trường tổ chức một buổi truyền thông ngoại khóa với các nội dung gồm: Phát phóng sự tuyên truyền; các bài viết về bảo vệ tài nguyên rừng nói chung và bảo vệ tài nguyên rừng thị xã Sơn Tây nói riêng của học sinh; báo cáo viên tuyên truyền; tiểu phẩm ngắn; thi vẽ tranh; thi hỏi đáp về chủ đề bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thị xã Sơn Tây hiện có hơn 570ha rừng, trong đó rừng đặc dụng là 3,03ha, rừng sản xuất 567,12ha. Để công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hương mong muốn, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội quan tâm về kinh phí nhằm đảm bảo đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền. Đồng thời tiếp tục duy trì buổi truyền thông ngoại khóa kết hợp chuyến tham quan thực tế rừng tại địa phương để tăng yếu tố trực quan, sinh động đối với học sinh.

 

Qua 11 năm thực hiện công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng cho học sinh, nhiều em đã trở thành thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế về công tác đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã; có nhiều học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi quốc tế về lĩnh vực này. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng tại trường học” - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên