Ảnh minh họa |
Hơn bốn năm qua, trước ngôi nhà 64 phố Mã Mây, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống và các trích đoạn tuồng quen thuộc như: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Châu Sáng qua sông, Lưu Kim Đính, Ôn Đình chém Tá... Và nghệ thuật tuồng có khán giả, chứ không còn lẻ tẻ vài ba vị khách nước ngoài đi theo tour du lịch đến xem tuồng tại Rạp Hồng Hà (Đường Thành, Hà Nội). Tại Đà Nẵng, tối Chủ nhật hàng tuần, khán giả đến công viên bờ Đông sông Hàn để xem tuồng. Nhiều khán giả đến với các vở diễn sân khấu trên phố bày tỏ rằng, họ đến đây vừa để xem biểu diễn, vừa để giao lưu hòa nhịp trong từng vai diễn cùng nghệ sĩ.
Bởi vì, họ được tương tác trang điểm và đeo mặt nạ ngay tại sân khấu, tham gia dịch vụ vẽ mặt nạ tuồng, cho thuê phục trang và chụp hình có thu phí... Với họ, sân khấu lúc này là sự gần gũi, là dân dã, chứ không phải là tầng tầng lớp kỹ xảo đang ở khoảng cách rất gần mà lại thành rất xa. Trong khi nhiều chuyên gia, khán giả của sân khấu xuống phố không phải là tiêu chí đo sức hút của sân khấu, mà tiêu chí này nằm ở các vở diễn lớn mang tính chuyên nghiệp bên trong rạp hát.
Phải nói rằng, để “cứu” sân khấu người nghệ sĩ phải nghĩ ra rất nhiều cách, hướng đi mới lạ, độc đáo, thiết thực. Không thể lo, sân khấu xuống phố sẽ làm mất giá trị nghệ thuật. Bởi vì, bài toán cuối cùng của sân khấu phải có khán giả. Cuộc sống càng phát triển, con người càng cần sự gần gũi nhau hơn, thì những việc làm dân dã nhất là chiêu thức kéo khán giả tốt nhất. Và cứ nhìn sân khấu trong không gian ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, hay đơn giản trên vỉa hè đường Tràng Tiền, khán giả kê dép ngồi xem kịch, xem tuồng đã là một thành công khi đưa sân khấu xuống phố.