Khi làng hóa phố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong ký ức của các cụ già ở làng Tả Thanh Oai, vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh của một vùng quê thanh bình, với đầy đủ cây đa, bến nước, sân đình... Không ai phủ nhận Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) có bề dày văn hóa, là làng khoa bảng. Không ai phủ nhận hiện nay làng vẫn còn hệ thống các di tích phong phú.

 Nhưng cũng chẳng ai dám khẳng định làng vẫn còn gìn giữ được những nếp xưa cũ, với lối ứng xử truyền thống của một làng quê.

Tả Thanh Oai đã thay đổi rồi, thay đổi theo kiểu của họ, thay đổi vì tốc độ đô thị hóa nửa chừng, cùng với sự lột xác nửa chừng. Và sự xây dựng cũng vẫn kiểu mạnh ai nấy làm đang phá vỡ không gian xanh - không gian làng quê vốn đã từng ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân ở đây. Cũng như rất nhiều ngôi làng bị cơn bão đô thị hóa "đổ bộ", tấn công và đôi khi là sự tàn phá không thương tiếc, Tả Thanh Oai đã có thời gian nóng lên vì dịch vụ môi giới bất động sản, nhiều người về hỏi mua và không ít người dân đã ôm cả đống tiền bán đất để đầu tư xây nhà cao tầng. Những chiếc cổng rêu phong, cũ kỹ, trầm mặc giờ phải đứng chen chân với những ngôi nhà cao tầng, những chiếc cổng sắt nặng trịch. Và gần như đến 90% số nhà cổ, cổng cổ, ngõ gạch cổ đã bị bong tróc, bị thời gian và chính bàn tay con người làm cho biến dạng, thậm chí mất đi.

Khi làng hóa phố - Ảnh 1

Chùa Thượng Phúc , xã Tả Thanh Oai

Đó là một sự thay đổi nghiệt ngã. Đó là một cuộc giao tranh ác liệt mà sự thắng thế thuộc về cách ứng xử thô bạo và những người đang đặt sự thực dụng lên trên hết. Các cụ già vẫn có sự hoài cổ và phần nào xót xa cho những điều đẹp đẽ đang dần bị bóp nghẹt, nhưng các cụ lại chẳng đủ lực để bảo vệ tâm nguyện của mình trước bàn tay mạnh mẽ của cháu con. Sự giằng xé và lột xác đã biến nhiều làng quê rơi vào cảnh quằn quại đớn đau bởi những hệ lụy. Và không biết đến bao giờ, những "vết thương nông thôn" mới được chữa lành. Hay nó sẽ mãi mãi là một vết thương không thể nào ngậm miệng?

Và đâu chỉ có thế, nếp sống văn hóa hàng trăm năm cũng đã bị xáo trộn. Xưa kia cửa gỗ, ngõ tre, chẳng cần phải khóa thì nay, cổng bê - tông, cửa sắt với "ra đóng vào khóa" đã hạn chế sự giao tiếp tình làng nghĩa xóm. Các cụ xưa kể rằng, gia đình nào có đám cưới, chỉ cần "ới" một tiếng là anh em làng xóm tụ tập, mỗi người một chân một tay là có vài chục mâm cỗ cho ngày cưới. Hay chỉ cần thịt một con gà, bác hàng xóm cũng có thể được mời sang chén chú chén anh. Nay mọi chuyện cỗ bàn đều đi thuê người ta làm. Hoặc kéo nhau ra nhà hàng, tiệc cưới được tổ chức ở đó, khách đến ăn cỗ, phong bì bỏ vào thùng, bắt tay chủ nhà một cái rồi về, nhạt quá! Rồi đến chuyện giỗ chạp, ngày Tết cũng thế. Đâu còn cảnh đụng lợn, còn em giúp anh, anh hỗ trợ em theo kiểu nay ta, mai người. Ngày nay, đến nhà nhau là phải đứng cổng, gọi cửa, rồi có khi chờ mãi chẳng thấy chủ nhà mở cổng. Thành ra ngại, lần sau không dám đến, xa cách nhau cũng từ đó.

Khi làng hóa phố - Ảnh 2

Một góc làng Tả Thanh Oai hôm nay

Bây giờ, Tả Thanh Oai cũng có nạn tắc đường, có dịch vụ karaoke, bida, cà phê bóng đá, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp… Không khí trở nên đậm đặc bởi những tấm biển quảng cáo sặc sỡ, nhiều màu đua chen nhau. Rồi con đường cong cong uốn theo dòng sông Nhuệ trữ tình ngày nào cũng nham nhở bởi hàng quán, khói bụi và nước sông ô nhiễm bốc mùi. Tả Thanh Oai có lợi thế men theo sông, có những con đường xương cá chạy trong làng và đã từng có những ngôi nhà với kiến trúc xanh. Nhưng tiếc những nét đẹp đó đã không còn. Ông Nguyễn Xuân Mai, cán bộ văn hóa xã Tả Thanh Oai cho biết: "Trước đây mỗi làng đều có cổng, các xóm cũng có cổng riêng nhưng nay chỉ còn Thượng Phúc còn giữ được cổng làng, cổng xóm thì còn quá ít. Cũng tại dân số tăng, bà con không có đất nên phải chia năm xẻ bảy ra cho các con mỗi người một ít. Người thì bán, người xây nhà cao tầng, không gian truyền thống bị phá vỡ là điều tất nhiên".

Tôi nghe trong giọng nói của không ít cụ già có kèm tiếng thở dài. Nhất là khi ở nhà cao, nhiều cụ bị "giam lỏng" trong bốn bức tường kín. Nếp sống êm đềm quây quần theo đúng nghĩa của một làng quê Bắc Bộ đã từng hiện diện ở đây. Và giờ người dân phải thu mình lại, với sự hoài niệm, tiếc nhớ nhưng chẳng thể nào khác được. Tiếc nhớ nhưng đành bất lực đứng nhìn. Như người ta vẫn nhìn thời gian, những mùa thu trôi đi, như phải chấp nhận tuổi già ập đến. Và tôi thấy cảm thông những cụ già, những người làm ông làm bà, day dứt chứng kiến cảnh cháu con cứ động đến cái gì cũng nhắc đến các dịch vụ. Bởi họ đã bị nhiễm các thứ dịch vụ tạp nham đang lẫn vào một làng quê. Tôi ước, có một dịch vụ nào đó được thực thi, đưa Tả Thanh Oai trở về thời thanh bình xưa.