Bao nhiêu đổi thay khi làng lên phố, khi đô thị hóa rầm rập bước chân đến các ngôi làng thuần nông vùng xứ Đoài mây trắng. Vui với những ngời ngời trong cuộc sống hiện tại, dù nỗi nhớ mang tên làng xưa vẫn mênh mang trong lòng người làng cũ.
Nỗi nhớ mang tên làng, tên chợ
Con đường đất vắt qua cánh đồng nối 2 làng Bình Đà và Thanh Cao của 2 xã Bình Minh và Thanh Cao (huyện Thanh Oai) với nhau. Làng Bình Đà nổi tiếng thế, mà làng Thanh Cao lại như ẩn mình trong đồng đất xứ Đoài.
Thế nhưng, người làng pháo Bình Đà hay những làng xã lân cận theo nghề làm pháo, thậm chí cả dân tứ xứ, không ai không biết chợ Cầu Mương (chợ Cầu) - nơi tiếp giáp giữa 2 làng 2 xã, cũng chính là chợ bán nguyên liệu làm pháo cho những người làm pháo.
Xưa tiếng pháo ran mỗi độ Xuân về, khói và mùi khét thơm cứ vương vấn trong lòng, để nhớ cho đến tận giờ. Những pháo mét, pháo bánh, pháo đùng, pháo cối, pháo điện quang sáng, nhị thanh, thăng thiên… giòn giã một thời. Ai cũng nhớ âm thanh của pháo, có pháo mới ra hương vị Tết, xác pháo hồng rơi xuống sân giống cánh hoa đào đến độ khó phân biệt.
Làng Bình Đà có chợ Tư lớn, nhưng chủ yếu là thực phẩm và hàng xén, hàng khô, hàng xáo, nếu người làng có nguồn, có mối hàng nguyên liệu làm pháo cũng phải về chợ Cầu bán.
Chợ Cầu họp bên bờ mương dẫn nước của làng, phiên nào cũng tấp nập. Chợ bán những mặt hàng mà nếu không phải dân làm pháo khó biết và gọi tên. Người xã dưới là làng Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) có nghề làm giấy pháo, thường đạp xe chở giấy đi bán rong khắp làng Bình Đà và mấy làng có nghề làm pháo, nhưng vẫn nhằm phiên chợ Cầu để đến bán hàng. Cũng chợ này có người đem bán tải than xoan, hay thúng than cây sắn, cũng là một nguyên liệu cho quá trình sản xuất pháo...
Nếu phố pháo Bình Đà nhộn nhịp, đông vui suốt 2 tháng giáp Tết Nguyên đán, thì chợ Cầu rôm rả suốt cả năm, khi Chợ Cầu vãn khách cũng là khi Tết cận kề. Bởi người làm pháo phải lo mua nguyên liệu về để ra Giêng làm lấy ngày, lo giá cả sang năm tăng cao, lo khan nguyên liệu vì người ta mải đi hội Xuân, lo cấy vụ Xuân...
Tính ra đã tròn 30 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 406-TTg ngày 08/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, làng nghề không còn làm pháo, nghề pháo, tiếng pháo, hội pháo, chợ pháo và chợ nguyên liệu pháo chỉ còn trong ký ức. Người Hà thành nhớ, người làng càng nhớ, nhớ nghề, nhớ kỷ niệm xưa, chị em nhớ đi chợ Cầu sắm sanh đủ thứ nguyên vật liệu…
Phố làng hôm nay
3 thập kỷ đi qua, ký ức năm nào vẫn cứ được nhắc nhớ như một kỷ niệm đẹp về phận làng, như tuổi thanh xuân của những người giờ đã lên chức ông, bà. Chợ Cầu Mương không còn bóng dáng cũ, nhớ đấy nhưng ai cũng hiểu nghề làm pháo được ví như “cưỡi trên lưng hổ” không sai.
Sau Chỉ thị số 406-TTg, người dân đã vượt qua được những hụt hẫng khi người làng nghề phải từ bỏ nghề “cha truyền con nối” đã gắn bó hàng trăm năm và có bước phát triển mới nhờ năng động chuyển nghề, phát triển kinh tế. Và khi vùng đất họ sống trở thành một phần của “đất bách nghệ” hào hoa, dường như ý thức của người công dân Thủ đô đã thêm thôi thúc họ vươn lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa.
Bình Đà bây giờ không còn mùi thuốc pháo đặc quánh đeo đẳng theo người làng từ sáng tới chiều, cả vào trong giấc ngủ, cũng không còn cảnh trẻ em thích ở nhà làm pháo kiếm tiền hơn đi học, cũng không còn những thương đau vì sự cố cháy, nổ do pháo gây ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường vì các hóa chất độc hại không còn trầm trọng như xưa, sức khỏe người dân vì thế được cải thiện đáng kể. Nhờ sự năng động, tìm tòi những hướng làm ăn kinh tế mới, cuộc sống người dân cũng khá dần lên.
Về Bình Đà sau 30 năm vắng tiếng pháo, khi đã 16 năm là một phần của Hà Nội, thấy cảnh tượng phồn hoa với không khí tấp nập kẻ bán, người mua. Từ đầu làng đến cuối làng, các cửa hàng buôn bán tấp nập người qua, kẻ lại. Sau những lao đao buổi đầu chia tay nghề làm pháo, người dân đã nhanh chóng bắt nhịp với thêu ren, buôn bán, thậm chí chạy chợ để mưu sinh...
Cũng như làng ấy, người bán hàng chợ Cầu Mương cũng chọn buôn bán mặt hàng khác thay cho các nguyên liệu làm pháo xưa. Khu chợ Cầu Mương giờ sầm uất, những nhà mặt đường mở cửa hàng, đại lý bán hàng cả ngày, đêm chứ không có cảnh vãn chợ như xưa. Con mương nhỏ xưa giờ đường mương được mở rộng, trải bê tông chắc khỏe, người dân trồng rất nhiều cây cảnh, hoa rực rỡ suốt 4 mùa. Khách ở xa về nhớ lối Ba Gò hay Cổng Phủ tìm chợ Cầu là ký ức lại ùa về…
Bình Đà chỉ là một ví dụ điển hình cho những đổi thay đáng kể ở xứ Đoài mây trắng khi làng lên phố. Sự phát triển về hạ tầng, kinh tế - xã hội, định hướng cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Kết quả của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” là bức tranh sinh động cho những đổi thay ở vùng ngoại thành Hà Nội.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của TP, Hà Nội hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15/18 huyện, thị xã được công nhận đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn TP có 111 xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến cuối năm 2024, TP cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu này. Đây là một thành quả lớn, một minh chứng cho sự nỗ lực, đồng lòng của người Hà Nội, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Mây trắng vẫn mênh mông, hiền hòa trên nền trời xanh ngắt mỗi độ thu về, dù đồng đất như nhỏ lại. Ký ức mang tên làng, tên chợ vẫn cứ trở về như một kỷ niệm đẹp về phận làng, phận chợ, khi một dấu mốc phát triển của Thủ đô, của đời sống được nhắc đến. Ký ức để người Hà Nội thêm yêu và tự hào về vùng đất đã nuôi lớn mình, để nhận ra những thành quả đã đạt được bằng nỗ lực không ngừng và để thêm vững vàng trên con đường phía trước.