Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Khi lớp học online trở thành lớp luyện thi mới của sĩ tử lớp 12

Kinhtedothi - Thời điểm hiện tại, tham gia các lớp học trực tuyến không chỉ còn là một hình thức học tập tạm thời, mà đang dần trở thành một xu hướng chủ đạo, đặc biệt đối với các học sinh lớp 12 đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi THPTQG.

Theo thống kê từ Khan Academy (tổ chức giáo dục phi lợi nhuận của Mỹ), trong năm 2024, tại Việt Nam có hơn 204 triệu phút học tập ghi nhận trên nền tảng với hơn 2 triệu tài khoản học tập được tạo lập. Theo đó, Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai về số người học trực tuyến miễn phí, chỉ xếp sau Brazil và tăng một bậc so với năm 2023.

Con số trên không chỉ phản ánh mức độ phổ biến ngày càng cao của các nền tảng học trực tuyến, mà còn cho thấy một sự thay đổi trong hành vi, thói quen học tập của học sinh Việt Nam. Trong bối cảnh siết chặt tình hình học thêm ngoài trường học, cộng với áp lực ngày càng tăng từ kỳ thi quốc gia, các nền tảng trực tuyến đang trở thành giải pháp thay thế tối ưu, giúp các sĩ tử lớp 12 học tập, ôn luyện linh hoạt và hiệu quả.

Xu hướng giáo dục tất yếu

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của giáo dục trực tuyến không phải là một hiện tượng nhất thời. Đại dịch Covid-19 đã đặt giáo dục vào tình thế phải chuyển mình, từ đó giáo viên và học sinh phải làm quen, thích nghi với hình thức học tập từ xa. Ngay cả khi xã hội đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, hình thức này vẫn tiếp tục được áp dụng và trở thành một xu hướng tất yếu trong bối cảnh giáo dục hiện đại.

Gần đây, Thông tư 29/2024 được ban hành với nội dung cấm dạy thêm trong nhà trường nếu học sinh không phải đối tượng yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi và cấm giáo viên dạy thêm thu tiền với học sinh chính khóa. Sự thay đổi này đang thúc đẩy học sinh lựa chọn học trực tuyến nhiều hơn – một hình thức giúp các em linh hoạt sắp xếp thời gian và học tập chủ động theo cách riêng.

Sự tiện lợi, linh hoạt về thời gian và không gian là ưu điểm rõ nét nhất của học trực tuyến. Không cần mất thời gian di chuyển, không phải chen chúc trong lớp học đông đúc, các em có thể học tập ngay tại nhà, trong môi trường thân thuộc, vào bất kỳ thời điểm nào phù hợp với nhịp sinh hoạt cá nhân.

Chia sẻ về lý do lựa chọn khóa học online của cô Sương Mai (giáo viên môn Ngữ văn nổi tiếng trên mạng), em Bảo Châu (Hà Nội) cho biết: “Em cảm thấy học online với cô Sương Mai rất thoải mái, không bị áp lực như ở các lớp học thêm trực tiếp. Em có thể xem lại bài giảng nếu chưa hiểu, dừng lại để ghi chú hoặc chọn thời điểm học mà em cảm thấy tỉnh táo và tập trung nhất”.

Cô Sương Mai là giáo viên Ngữ văn online được nhiều học sinh lựa chọn. (Ảnh: Chụp màn hình)

Bên cạnh đó, so với các lớp học thêm truyền thống, các khóa học online thường có chi phí “dễ thở” hơn, giúp giảm bớt áp lực tài chính cho nhiều gia đình, nhất là những học sinh ở vùng nông thôn, miền núi.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang (Trang Anh) là một giáo viên tiếng Anh nổi tiếng với các khóa học trực tuyến thu hút hàng ngàn học sinh trên cả nước. Cô thường xuyên chia sẻ những câu chuyện về các em học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà vẫn có thể tiếp cận được những bài giảng chất lượng cao thông qua Internet. Khi đăng ký các khóa học online của cô, dù không tốn quá nhiều chi phí, nhiều học sinh đã tiến bộ và đạt được mục tiêu học tập của mình.

Câu chuyện của một bạn học sinh được cô Trang Anh chia sẻ. (Ảnh: Chụp màn hình)

Học online ngày nay không còn đơn thuần là những buổi học qua Zoom hay Google Meet. Nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến chuyên biệt đã phát triển một hệ sinh thái học tập toàn diện, tích hợp bài giảng, video tự động hóa, hệ thống luyện tập, kiểm tra và đánh giá. Ngoài ra, nhiều giáo viên dạy học trực tuyến còn tổ chức các buổi học livestream, tạo ra sự tương tác gần gũi và sinh động, giúp việc học tập của học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn.

Em Minh Đức (Hà Tĩnh) bày tỏ sự yêu thích với trang web học trực tuyến: “Em thích học trên một website học trực tuyến vì nó có hệ thống lưu trữ các bài giảng, tài liệu. Các bài giảng đều được sắp xếp theo trật tự riêng giúp em dễ dàng tìm kiếm lại khi cần. Đặc biệt, các nền tảng này còn có các bài tập trực tuyến giống cấu trúc đề thi thật giúp em ôn luyện để biết mình đang ở mức độ nào”.

Livestream dạy học là một hình thức giảng dạy được nhiều giáo viên lựa chọn. (Ảnh: Chụp màn hình)

Không dễ để thích nghi

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, các khóa trực tuyến cũng đặt ra không ít thách thức đối với các sĩ tử lớp 12.

Một trong những trở ngại lớn nhất là không gian học tập. Không phải học sinh nào cũng có góc học riêng, yên tĩnh và đầy đủ thiết bị. Nhiều em phải học với thiết bị học tập còn hạn chế, kết nối Internet không ổn định, và không khí trong gia đình đôi khi không tạo được sự tập trung.

Em Lê Văn Cường, một học sinh ở ngoại thành Hà Nội, bày tỏ: "Em thấy học online khá bất tiện vì ở nhà em không có chỗ yên tĩnh. Em phải học trong phòng bếp và thỉnh thoảng cũng cần làm việc nhà hoặc trông em. Nhiều khi em phải ra quán cà phê học, vừa tốn thêm tiền mà lại dễ bị xao nhãng bởi tiếng ồn xung quanh”.

Học trực tuyến không phải lúc nào cũng thuận tiện với nhiều học sinh. (Ảnh sưu tầm)

Không khí lớp học sôi nổi cùng sự tương tác với bạn bè, thầy cô - những yếu tố vô hình nhưng vô cùng quan trọng - gần như biến mất khi học online. Điều đó khiến nhiều em phải đối diện với tình trạng “học một mình”, từ đó dễ cảm thấy cô đơn, chán nản, mất động lực, đặc biệt là trong giai đoạn ôn thi căng thẳng.

Ngoài ra, việc học online đòi hỏi năng lực tự học và tập trung cao – điều mà không phải học sinh nào cũng được trang bị. Đặc biệt, nhiều em học sinh có khả năng tự học tốt cũng gặp khó khăn bởi cần có người định hướng và hỗ trợ các em với những bài tập khó. Việc thiếu phản hồi kịp thời từ giáo viên trong môi trường trực tuyến đôi khi khiến quá trình tiếp thu kiến thức bị gián đoạn. Cụ thể, học sinh cũng không thể đặt câu hỏi và nhận được giải đáp ngay lập tức như ở các lớp học truyền thống.

Bày tỏ sự khó khăn trong quá trình kết nối với giáo viên khi học online, em Quỳnh Anh (Thanh Hóa) cho biết: “Nhiều lúc em học online mà không hiểu bài, muốn hỏi liền thì không được. Nhắn tin cho cô thì cô bận chưa trả lời ngay, có khi phải đợi tới buổi sau. Lúc đó em bị mất mạch luôn, tới phần sau thì càng rối. Học online thì tiện thật, nhưng em thấy hơi khó hỏi bài với trao đổi như lúc học trên lớp.”

Không thể phủ nhận, học trực tuyến đang mở ra một cơ hội học tập mới đầy tiềm năng, nhất là với những sĩ tử cần phương pháp học tập linh hoạt, tiết kiệm và có thể tự điều chỉnh.

Mặc dù giáo dục trực tuyến đang mở ra nhiều cơ hội học tập mới, song những thách thức là không thể phủ nhận. Để hình thức này thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ đòi hỏi nỗ lực tự thân của học sinh, mà còn cần sự đồng hành từ nhà trường, phụ huynh trong quá trình học trực tuyến.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: những lưu ý quan trọng với thí sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: những lưu ý quan trọng với thí sinh

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ