Vào hôm 18/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký các thỏa thuận quan trọng với người đứng đầu Hàn Quốc và Nhật Bản, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế và an ninh quốc gia giữa ba bên.
Người đứng đầu Nhà Trắng không khỏi vui mừng vì sự có mặt của cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc gặp mặt lịch sử này.
“Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Trại David và địa điểm này thực sự vô cùng tuyệt vời để mở ra kỷ nguyên hợp tác mới của chúng ta” – Ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo.
Tổng thống Biden ca ngợi việc cả hai quốc gia châu Á này sẵn sàng gạt bỏ những căng thẳng, mâu thuẫn trong quá khứ để chung tay đối phó với thách thức. Đồng thời, ông cũng cam kết mối quan hệ hợp tác ba bên sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
Quan hệ khăng khít
Các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên đang là mối quan tâm lớn nhất của cả ba nước. Những vụ thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng và chính sách mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang đe dọa đáng kể đến an ninh của Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia bị tổn hại trực tiếp.
Trước tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của các đối thủ trên, Nhà Trắng khẳng định quyết tâm củng cố và duy trì hợp tác lâu dài giữa ba nước, ngay cả trong trường hợp Cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo ông Biden, chính sách “Nước Mỹ trên hết” đang khiến Washington tách biệt khỏi các quốc gia khác và trở nên yếu đi. Qua đó, ông khẳng định hội nghị thượng đỉnh này sẽ đã đưa ra những thay đổi về thể chế nhằm củng cố mối quan hệ với các đồng minh, cũng như tìm lại vị thế của siêu cường số một thế giới.
Bên cạnh đó, ông Biden đã công bố các thỏa thuận nhằm cải thiện việc phối hợp về phòng thủ tên lửa đạn đạo và chia sẻ thông tin, hỗ trợ dữ liệu kinh tế như hệ thống cảnh báo sớm liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng, hay tiếp tục tổ chức tập trận quân sự trong nhiều năm.
Để đối phó với bất ổn chính trị ở cả ba nước, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết các bên sẽ tổ chức những cuộc họp thường niên và tập trận quân sự.
Nhân dịp này, cả Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cam kết viện trợ để giúp Hawaii phục hồi sau các trận cháy rừng chết người gần đây.
Các quan chức Nhà Trắng ghi nhận vai trò của ông Biden trong việc đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa các bên ngay từ đầu nhiệm kỳ. Vị Tổng thống này cũng thường xuyên có các cuộc gặp với nhiều quan chức Mỹ khác, như ông Sullivan hay Ngoại trưởng Antony Blinken.
Đặc biệt, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, ông Biden đã tích cực tập hợp NATO và nhiều quốc gia để hỗ trợ Kiev, đồng thời khôi phục lại các liên minh.
Vị Tổng thống này cũng luôn để mắt đến Trung Quốc khi nhiều lần đặt trọng tâm chính sách trong thế kỷ 21 xoay quanh việc cạnh tranh với nền kinh tế số hai thế giới. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng những khó khăn mà Bắc Kinh đang đối mặt sau đại dịch sẽ tạo điều kiện cho Washington khẳng định hơn nữa tầm ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Đồng thời để kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực này, Chính quyền Biden cũng tăng cường quan hệ hợp tác với các thành viên khác trong Bộ Tứ Quad là Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.
Nhà Trắng cũng yêu cầu Trung Quốc không tiếp tục hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Là một phần của thỏa thuận, các quốc gia cam kết tạo ra một kênh liên lạc để chia sẻ thông tin nhanh chóng nếu một bên đối mặt với mối đe dọa, chẳng hạn như một hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
Nhiều nguồn tin cho rằng Mỹ sẽ đưa một số loại vũ hạt nhân sang Hàn Quốc hay âm thầm trợ giúp nước này các chương trình hạt nhân để đối phó với Triều Tiên. Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson đã phủ nhận thông tin đó.