Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi nào 5G chính thức thương mại hóa?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà mạng đã đấu giá các khối băng tần để triển khai 5G. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu để tiến tới việc thương mại hóa công nghệ mạng này...

Băng tần "vàng" đều có chủ

Mới đây, trong tháng 3, lần đầu tên Việt Nam đưa băng tần điện thoại ra đấu giá thay vì “cấp phát” như trước đây. Theo đó, có 3 khối băng tần: B1 (2.500  - 2.600 MHz); C2 (3.700 - 3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz) được đưa ra đấu giá.

2 khối băng tần B1 và C2 đã được đấu giá thành công mang về hơn 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Đến khi nào Việt Nam chính thức thương mại hóa 5G?    
Đến khi nào Việt Nam chính thức thương mại hóa 5G?    

Cụ thể, ngày 8/3 Viettel đã chính thức vượt qua các đối thủ khác để lấy được quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz).

Việc trúng đấu giá băng tần B1 là điều kiện cần thiết để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới. Ngoài ra, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Sau đó ngày 19/3, VNPT đã thành công lấy được quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2. Bên cạnh đó, VNPT cũng đồng sở hữu dải băng tần 1.800 MHz là một lợi thế lớn trong việc thúc đẩy 5G và là tiền đề phát triển mạng 6G trong tương lai.

Bên cạnh đó, vẫn còn khối băng tần C3 đang chờ được đấu giá lại do lần đầu số lượng doanh nghiệp không đảm bảo quy định tham gia đấu giá.

Đánh giá về lần đấu giá tần số này, Cục trưởng Cục tần số Vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết: “Đấu giá 5G vừa qua là thành công, từ góc nhìn trong nước và từ góc nhìn quốc tế. Đây là lần đầu tiên đấu giá thành công sau 15 năm vấn đề đấu giá được quy định trong luật. Đấu giá thành công cho thấy Luật Tần số Vô tuyến điện sửa đổi và Nghị định 63/2023/NĐ-CP đã nhanh chóng đi vào cuộc sống”.

"Việc đấu giá khối B1 trải qua 24 vòng, khối C2 qua 17 vòng cho thấy sự nghiêm túc tham gia của các doanh nghiệp, tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá" - ông Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.

Được biết, mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa một khối băng tần do đó bên cạnh Viettel và VNPT sẽ có thêm một doanh nghiệp thứ 3 triển khai 5G.

Nhiều thách thức

Theo TS. Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT-TT) thì phát triển 5G không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm cả thách thức.

Để thương mại hóa 5G thì sở hữu băng tần là điều kiện thiết yếu nhưng chưa đủ, mà còn cần thêm nhiều điều kiện khác. Được biết, sau khi trúng thầu, các doanh nghiệp viễn thông cần nộp tối thiểu 50% số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến còn lại cùng tiền lãi theo quy định trong vòng 30 tháng kể từ ngày kết quả đấu giá được phê duyệt. Và trong vòng 60 tháng phải nộp toàn bộ số tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến còn lại cùng tiền lãi theo quy định.

Bên cạnh đó, trong vòng 2 năm từ ngày được cấp phép, các doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần đã trúng thầu.

Ngoài ra, nhà mạng cũng phải cam kết cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần muộn nhất 12 tháng kể từ ngày cấp phép. Và tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ sử dụng băng tần, nhà mạng phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép.

Các đơn vị vừa phải chi một số tiền khủng để đấu giá thành công băng tần và lại phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng nữa để xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, 4G hiện vẫn đang đáp ứng nhu cầu dữ liệu của người dùng vậy ai sẽ là người dùng 5G, lượng người dùng từ đâu ra? Đó chính là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp viễn thông.

Cũng theo ông Mai Liêm Trực, đầu tư 5G đòi hỏi nguồn vốn lớn và liên quan đến cơ chế đầu tư cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, triển khai 5G không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn nằm ở bài toán kinh doanh, quản trị hệ thống sao cho hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Tô Thái Dũng cho biết, trong năm 2024, VNPT sẽ triển khai dịch vụ 5G như cam kết với Bộ TT-TT, nhưng vấn đề khó nhất đặt ra là phương án kinh doanh hiệu quả chứ không phải tần số hay hạ tầng.

Theo Phó tổng giám đốc Mobifone Bùi Sơn Nam, ngoài việc tham gia đấu giá lấy giấy phép thiết lập và cung cấp dịch vụ 5G, đơn vị cũng đang tính tới phương án dùng chung hạ tầng để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư, kinh doanh.

Luật Viễn thông 2023 và dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông quy định việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, hạ tầng viễn thông tích cực để triển khai mạng dùng riêng 5G tạo điều kiện cho mạng dùng riêng 5G tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Nói về giá dịch vụ 5G so với 4G, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, theo quy định về quản lý giá tại Luật Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông chủ động định giá dịch vụ áp dụng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đồng thời giá dịch vụ được xây dựng trên cơ sở giá thành. Giá thành dịch vụ được tính toán từ nhiều yếu tố như quy mô cung cấp, chi phí, mức độ đầu tư…

Ngày 29/3/2023, Bộ TT-TT đã ban hành thông tư số 02/2024/TT-BTTTT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

Việc ban hành thông tư góp phần vào việc đồng bộ quy chuẩn Việt Nam áp dụng cho quản lý thiết bị trạm gốc 5G phù hợp với năng lực đo kiểm; đảm bảo quản lý trong bối cảnh Việt Nam triển khai thương mại 5G diện rộng. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.