Khi nào hàng không tăng trưởng nóng trở lại?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng không đang có dấu hiệu phục hồi tốt thời hậu Covid-19. Tuy nhiên, để có thể trở lại thời “hoàng kim” trước đây, ngành hàng không vẫn cần thêm thời gian.

Hàng không Việt Nam đang có sự phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19.
Hàng không Việt Nam đang có sự phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19.

Tín hiệu đặc biệt

Ngay trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, thị trường vé máy bay đột ngột lên cơn “sốt”. Hàng loạt đường bay nội địa rơi vào tình trạng “cháy vé”. Thậm chí, phân khúc vé máy bay hạng thương gia cũng phải tranh giành mới mua được dù giá đẩy lên tới trên dưới chục triệu đồng.

Dù đợt "sốt vé" không kéo dài nhưng vẫn được đánh giá là tín hiệu đáng mừng, là dấu hiệu tốt cho một năm đầy hứa hẹn cho ngành hàng không sau một thời gian dài bị dịch Covid-19 “quật” cho tơi tả. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu chỉ nhìn vào một đợt “sốt vé” ngắn ngủi mà khẳng định ngành hàng không đã bắt đầu phục hồi là vội vàng.

Tín hiệu đặc biệt cho thấy, hàng không đang thực sự trở lại chính là sự xuất hiện của một thành viên mới, hãng hàng không Sun Air vừa ra mắt cách đây ít ngày. Đầu tháng 3/2022, Tập đoàn Sun Group chính thức ra mắt hãng hàng không Sun Air. Đây là hãng bay thuộc phân khúc hạng sang đầu tiên, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa tại Việt Nam. Đại diện hãng bay này khẳng định, mục tiêu mà Sun Air hướng tới là trở thành một hãng hàng không “private jet” uy tín, hiện đại, đẳng cấp quốc tế, lấy “An toàn – Đẳng cấp – Khác biệt” làm giá trị cốt lõi.

 

Việt Nam cần tận dụng tốt sự phục hồi và tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.

Tổng Thư ký VABA, PGS.TS Bùi Doãn Nề

Sự ra đời của hãng hàng không mới cho thấy môi trường kinh doanh trong lĩnh vực hàng không đã được “thanh lọc”, những yếu tố rủi ro do dịch bệnh mang lại đang dần được loại bỏ. Bằng chứng là không chỉ đường bay nội địa, những đường bay quốc tế được khôi phục và ngày càng được mở rộng. Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện nay, thời hoàng kim của ngành hàng không như trước khi Covid-19 xuất hiện sẽ không còn xa.

Việc mở cửa các đường bay quốc tế góp phần giúp hàng không Việt Nam phục hồi.
Việc mở cửa các đường bay quốc tế góp phần giúp hàng không Việt Nam phục hồi.

Cần giữ sự ổn định

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã đưa ra nhận định, 2022 sẽ là năm phục hồi của ngành hàng không. Thậm chí, IATA còn đưa ra dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm nay và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đương nhiên, để đạt được con số 44% so với trước khi Covid-19 bùng phát sẽ cần thêm thời gian để ngành hàng không tìm lại thời kỳ “vàng son” của hơn hai năm trước. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh của các hãng bay trong thời gian qua cùng với dự báo lạc quan của IATA hoàn toàn là cơ sở để ngành hàng không Việt Nam chờ đợi về một chu kỳ trở lại mạnh mẽ trong tương lai gần.

Đánh giá về triển vọng phục hồi của ngành hàng không trong năm 2022, PGS.TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, với những tín hiệu tích cực trong thời gian qua, triển vọng phục hồi của hàng không Việt Nam rất lớn. Có hai yếu tố quan trọng giúp để hàng không phục hồi. Một là công tác tiêm chủng vaccine tại Việt Nam đang được đẩy nhanh. Hai là nhiều nước trên thế giới đang dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Đặc biệt ở Việt Nam, mức độ tiêm phủ vaccine toàn dân đang ở mức cao.

“Mức độ kiểm soát dịch bệnh tốt, cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế là những yếu tố giúp ngành hàng không Việt Nam sớm trở lại mức tăng trưởng như trước” – PGS.TS Bùi Doãn Nề nhận định và cho biết thêm, qua nghiên cứu, đánh giá, VABA dự báo, mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam từ 6 - 6,5%. Đây là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành hàng không đạt 15 - 20% so với năm 2021: “Nếu tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa phát triển kinh tế, ngành hàng không Việt Nam sẽ hồi phục bền vững trong năm 2022”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hàng không Việt Nam đã và đang chính thức bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Sự tăng trưởng đều của các đường bay nội địa và sự ổn định của những đường bay quốc tế sau khi được khôi phục trong thời gian qua chính là cơ sở để hàng không phục hồi. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, không nên quá kỳ vọng và tốc độ phục hồi của ngành hàng không sẽ đạt mức cao mà cần phải có thời gian nhất định để ngành hàng không lấy lại được đà tăng trưởng như trước dịch bệnh.

Chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh, trong giai đoạn này, việc giữ được sự ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành hàng không có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi chỉ cần một lần “tổn thương” nữa, đà phục hồi sẽ bị kéo tụt lại rất lâu.

 

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, từ ngày 29/12/2021 -  10/1/2022, các hãng bay nội địa khai thác 4,48 nghìn chuyến bay, vận chuyển hơn 547.000 lượt khách với tỷ lệ sử dụng ghế trung bình đạt gần 70%. Tỷ lệ lấp đầy chuyến bay của các hãng bay từ đầu tháng 1 đến nay đã tăng vọt so với tháng 12/2021. Trong đó, nhiều đường bay từ TP Hồ Chí Minh  đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ trên hệ thống trên một số đường vào một số ngày nhất định lên đến 90%.