Không chỉ dừng ở lợi ích cá nhân, nhiều người còn câu kết, hình thành các “lợi ích nhóm”, cùng nhau tham nhũng, tham ô tài sản, bòn rút hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình đầu tư, các công ty “sân sau”, công ty con… Hãy học tập tấm gương của Bác "Người lãnh đạo phải ý thức được trách nhiệm của mình để tập trung công việc, lãnh đạo quản lý. Còn nếu chưa gì đã lợi dụng quyền lực để tham nhũng, để đạt được lợi ích cá nhân của mình, như vậy là tầm thường hóa mình đi chỉ vì cái nhà, cái đất, cái xe..., tức tự tầm thường hóa vì những lợi ích vật chất trong cuộc sống. Hãy học tập tấm gương của Bác. Trước đây, Bác rất nghiêm trong chuyện này, tài sản chung không bao giờ động đến. Tiền lương của Bác khi đó là 247 đồng/tháng, tất cả ăn uống, chi tiêu của Người đều trong khoảng đó hết. Bác ăn tại nhà ăn của Phủ Chủ tịch, còn tiền thừa thì Bác nói thư ký gửi vào tiết kiệm. Kể cả nhuận bút viết cho các báo, Bác viết cũng gửi vào tiết kiệm để ngày Quốc tế Thiếu nhi hay rằm Trung thu mua quà cho các cháu; hoặc để gửi quà cho các cụ trên 80 tuổi, các chị phụ nữ sinh đôi… Tất nhiên điều kiện kinh tế giờ khác xưa, không thể bắt cán bộ sống kham khổ nhưng phải có ứng xử phù hợp, làm cán bộ phải nghĩ đến mọi người, nghĩ đến dân, đến đạo đức." - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Đừng bỏ qua giáo dục liêm chính cho cán bộ "Trước thực tế quan chức hư hỏng, thoái hóa khá nhiều có thể thấy rằng, sự rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ bị sa sút nghiêm trọng. Sự gương mẫu của một số cán bộ đảng viên cấp cao còn yếu, cả về lý tưởng, về năng lực, đặc biệt là về đạo đức, lối sống yếu kém đến mức tham nhũng và vi phạm pháp luật rất nặng nề. Đã là con người thì khó có thể hoàn toàn “miễn nhiễm” trước những cám dỗ ghê gớm của vật chất và quyền lực. Bởi thế, yếu tố quan trọng vẫn là giáo dục liêm chính trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Là công bộc của dân, không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất. Mỗi cán bộ, đảng viên, thực chất là cán bộ có chức quyền phải luôn khiêm tốn và tâm niệm rằng làm để cống hiến, phục vụ Nhân dân." - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão |
Khi người cán bộ quên “dưỡng liêm”
Kinhtedothi - Quan chức các cấp, thậm chí là cao cấp vi phạm kỷ luật, bị xử lý, thậm chí vướng vòng lao lý đã không còn là câu chuyện “hiếm hoi và bất thường” nữa.
Ngoài góc độ vi phạm pháp luật hay các quy định của Nhà nước, điều nhiều người đề cập đến chính ở góc độ đạo đức xã hội, đạo làm quan, họ đã bỏ quên bốn chữ “cần - kiệm - liêm - chính”.
Bài học đắt giá
Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, khi nói đến công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý phê phán những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, căn bệnh trong các cán bộ. Tháng 10/1945, Bác đã có thư gửi cho ủy ban các cấp, chỉ ra một loạt căn bệnh trong cán bộ như cậy thế, kiêu ngạo, tư túng…
Trong Di chúc, khi nói về Đảng, người yêu cầu: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Vì đạo đức cách mạng là "nền tảng", là "cái gốc" của người cán bộ. "Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.
Bên cạnh đó, người cán bộ, đảng viên cũng cần phải "thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Cần, kiệm, liêm, là gốc rễ của chính, nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn.
Thực tế thời gian qua, bên cạnh phần lớn cán bộ giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện liêm, chính nghiêm túc, thì nhiều cán bộ lãnh đạo khác lại quên đi điều đó, do nhiều nguyên nhân khiến họ đi đến chỗ tha hóa, biến chất.
Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã khẳng định nguyên nhân sâu xa, chủ yếu là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất... Không chỉ dừng ở lợi ích cá nhân, nhiều người còn câu kết, hình thành các “lợi ích nhóm”, cùng nhau tham nhũng, tham ô tài sản, bòn rút hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình đầu tư, các công ty “sân sau”, công ty con…
Hệ quả là liên tục các cán bộ bị xử lý kỷ luật chính bởi sự “sa vào chủ nghĩa cá nhân” ấy. Từ vụ việc bà Phan Thị Mỹ Thanh (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) vì lợi ích của công ty nơi chồng mình là cổ đông sáng lập đã ký một số văn bản trái quy định của pháp luật, rồi Hồ Thị Kim Thoa (từng là Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã làm một số việc không đúng với chủ trương cổ phần hóa DN của Nhà nước…
Hay như vụ việc đang được đưa ra xét xử liên quan đến vụ án xảy ra ở Công ty VN Pharma, hai cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, một người từng là Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH đã phải hầu tòa bởi vì lợi ích cá nhân, thậm chí “lợi ích nhóm” đã vi phạm những giá trị đạo đức để trục lợi...
Gần đây nhất, dư luận không khỏi giật mình khi kết luận điều tra vụ mua cổ phần giữa Mobifone và AVG được cơ quan bảo vệ pháp luật công bố với những con số kim tiền qua lại giữa quan chức và DN trong một nhóm lợi ích.
Hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị cáo buộc vì nhận hối lộ, thậm chí số tiên ông Son nhận là 3 triệu USD. Từ vụ việc ấy, nhiều ý kiến đã nhìn nhận, ở vị trí “thuyền trưởng” một bộ, những người cán bộ này hơn ai hết hiểu và hiểu rõ những gì được làm, những gì không được làm, những gì có lợi cho dân, cho nước. Biết sai vẫn làm, đó là biểu hiện của sự suy thoái, mưu cầu.
Khi nói về “đạo làm quan”, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) phân tích, với người làm quan hiện nay, tiền tài, vật chất là một thứ cám dỗ rất khó cưỡng. Những người có chức, có quyền nhiều khi lợi dụng, tha hóa quyền lực, họ lạm quyền, lộng quyền, không kiểm soát được quyền lực dẫn đến dễ mắc sai lầm.
Tình trạng suy thoái của bộ phận này đang thể hiện rõ nhất ở tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cơ hội về chính trị, tha hóa về lối sống và đạo đức, không thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Bác Hồ là cần - kiệm - liêm - chính…
“Một khi cán bộ, đảng viên không trong sạch về đạo đức, không trong sáng về lối sống sẽ rất khó để vượt qua được những cám dỗ của lợi ích vật chất, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Nếu việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, cán bộ, đảng viên sẽ không có tinh thần vì Nhân dân phục vụ, thay vào đó là thái độ “xem khinh quần chúng”, “đục khoét của Nhân dân” - ông Phúc nhận định.
Chưa kể con số hàng nghìn cán bộ các cấp bị xử lý, chỉ nhìn vào những con số trên 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự, nhiều người vừa vui vì Đảng đã loại trừ được những người “tha hóa”, nhưng cũng rất buồn. Trong đó có không ít cán bộ được đánh giá là những “hạt giống đỏ”, người có năng lực, nhưng đã không thực hiện “cần - kiệm - liêm - chính”, dẫn đến tự cao, tự đại, tự thỏa mãn với vị trí của mình như có ý kiến từng nói “ở địa phương như ông vua con”, tự huyễn hoặc mình nên dẫn đến những sai phạm.
Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho những ai dù ở cương vị quan trọng nào mà không tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống; để tham vọng địa vị, tiền tài lấn át.
Câu chuyện “dưỡng liêm”
Từ trước đến nay, rất nhiều nhà lãnh đạo, quan chức các cấp đã nêu gương trong sạch, liêm khiết, điều đó tạo ra niềm tin rất lớn cho cấp dưới, niềm tin cho xã hội. PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) nhận định: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ đảng viên hết sức quan trọng.
Bởi không phải lúc nào tổ chức cũng ở bên mình, không phải lúc nào tự thân mỗi người có thể nhận ra được khuyết điểm của mình. Một khi đã ý thức, tự tu dưỡng, sẽ luôn luôn ý thức công việc của mình, mình làm được đã đúng chưa, có vì dân chưa, việc làm của mình có tổn hại đến lợi ích chung của tập thể không…
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cán bộ là phải trung thực, nêu gương, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng của mình. Càng làm càng phải có trách nhiệm với dân, phải thể hiện cái cốt cán, gương mẫu của một người cán bộ, một người đầy tớ trung thành với người dân.
Dù là cán bộ có chức hay cán bộ không có chức đi nữa cũng phải thể hiện là một tấm gương trong sáng, gương mẫu, thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã dạy, cán bộ là phải liêm khiết. Nhưng vụ việc cán bộ sa ngã vừa qua chính là bài học hết sức quý báu, rất xác đáng dành cho những ai đang đương chức, đương quyền. Bài học đó để làm gương, để làm sao mỗi cán bộ phải có một đạo đức, một tấm lòng trong sáng, phải có tâm, có tầm, có sự trung thực. Nếu ai đã làm sai thì cố gắng phấn đấu để sửa sai, để làm lại cho tốt hơn.
Khi nói về việc để giữ được chữ “liêm” trong điều kiện hiện nay, GS.TS Hoàng Chí Bảo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trước tiên cần phải thường rèn luyện cho đủ cả bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính.
Người có cần, có kiệm thì người đó đã có tiền đề để liêm. Có liêm thì sẽ chính trực, công minh, không lợi dụng, không cá nhân riêng tư mà tất cả vì dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh giáo dục danh dự, giáo dục liêm sỉ, giáo dục nỗi biết nhục khi rơi vào chuyện xấu xa, khuất tất. Đồng thời phải có thể chế, luật pháp thật nghiêm để buộc mọi người phải liêm, nếu không liêm, phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của luật pháp để giữ được lòng tin của Nhân dân.
“Bác Hồ nói tham nhũng, tham lam là điều đáng xấu hổ nhất, phải rèn luyện cho cán bộ, đảng viên tự thức tỉnh mình, tự răn đe và chỉnh đốn mình, tự ngăn chặn mình khi có nguy cơ làm những điều sai trái”- GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.
Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tha hóa, biến chất đang là những công việc được quyết liệt thực hiện để chấn chỉnh đạo đức cán bộ, đề cao “đạo làm quan” đúng như tư tưởng của Bác và kỳ vọng của người dân. Nhưng cùng với những bài học cảnh tỉnh đang có, những “thiết quân luật” để ngăn ngừa và xử lý vi phạm, việc làm sao để mỗi cán bộ dù là ở cấp nào cũng phải luôn ghi nhớ bốn chữ “cần - kiệm - liêm - chính” cũng là điều được đặc biệt lưu ý.