Xu hướng này được hậu thuẫn mạnh mẽ nhờ công tác phối hợp của cơ quan bảo hiểm xã hội và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, qua thẻ và tài khoản ngân hàng.
Người cao tuổi hứng khởi với thanh toán không tiền mặt
Tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số lượng người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) qua tài khoản ngân hàng đang có chiều hướng tăng lên, khi nhiều người cao tuổi chuyển đổi thói quen nhận lương hưu, trợ cấp bằng tiền mặt sang hình thức chuyển khoản qua thẻ ATM hay tài khoản ngân hàng.
Trước đây, người về hưu thường phải đến các điểm phát lương tại nơi cư trú đúng ngày, đúng giờ để ký nhận lương hưu hàng tháng. Để hạn chế tiếp xúc gần và tránh lây lan virus SARS-CoV-2 qua chi tiêu tiền mặt, sau đợt giãn cách xã hội năm 2021, nhiều người đã tới ngân hàng mở thẻ ATM, nhằm chủ động và thuận tiện hơn trong việc nhận và sử dụng lương hưu.
Nhiều đô thị lớn trên cả nước đã ghi nhận tỷ lệ người hưởng các chế độ BHXH, BHTN qua tài khoản ngân hàng tăng nhanh qua từng năm. Đơn cử như tại TP Hải Phòng, nơi cơ quan BHXH địa phương đang quản lý chi trả đối với trên 151 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, tỷ lệ bình quân người hưởng các chế độ này qua tài khoản ATM tới thời điểm cuối năm 2021 được ghi nhận ở mức khá cao (73%).
Đại diện BHXH TP Hải Phòng cho biết cơ quan này hiện đã xây dựng lộ trình phát triển người hưởng lương và trợ cấp qua tài khoản ATM trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động người hưởng, trong đó mỗi năm tỷ lệ người hưởng qua ATM tăng từ 3% đến 10%, và tiến tới đạt ít nhất 80% vào năm 2025 tại khu vực đô thị.
Theo vị đại diện này, ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy rõ, hình thức nhận lương qua tài khoản ngân hàng đang góp phần đẩy nhanh việc thực hiện chi trả các chương trình an sinh xã hội, các dịch vụ công qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây cũng là hoạt động giúp triển khai và hoàn thành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 của các tỉnh, thành phố, bao gồm Hải Phòng.
Cái bắt tay hiệu quả
Hoạt động liên kết giữa các cơ quan BHXH trung ương và địa phương cùng các ngân hàng thương mại trong công tác tuyên truyền, vận động người về hưu, người cao tuổi nhận các gói trợ cấp và lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đang mang đến lợi ích đa chiều.
Chi nhánh Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trên địa bàn TP Hải Phòng cho biết trong năm 2021, đơn vị này phát hành mới 8.748 thẻ nội địa, trong đó có 5.317 thẻ hưu trí, chiếm tỷ trọng 60% tổng số thẻ phát hành.
Theo đại diện chi nhánh này, sau khi phối hợp với BHXH TP Hải Phòng, số lượng thẻ hưu trí đơn vị này phát hành cho khách hàng tuổi hưu đã tăng lên đáng kể, tương ứng với tăng trưởng gần 59% so với trước khi hợp tác.
“Sở dĩ đạt được kết quả như trên, không thể không kể đến sự hỗ trợ rất lớn từ phía cơ quan BHXH dành cho LienVietPostBank, thông qua những sản phẩm phù hợp với độ tuổi hưu trí như cho vay hưu trí, mở thẻ trả lương hưu, tiết kiệm an nhàn hưu trí…”, vị đại diện trên chia sẻ.
Trong khi đó, BHXH TP Hải Phòng cho biết đơn vị này đã ký quy chế phối hợp với một số ngân hàng tại địa phương về giao dịch điện tử song phương trong dịch vụ công về thu, chi các chế độ BHXH, BHTN, và bảo hiểm y tế. Trong đó, hai phía thường xuyên trao đổi để nâng cao chất lượng dịch vụ cho các đối tượng thụ hưởng các chế độ BHXH, ví dụ như phát hành thẻ ATM với thời gian nhanh nhất, miễn phí rút tiền tại các cây ATM, ưu đãi phí chuyển tiền, phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking…đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH.
Song song với đó, tại các ngày chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, cơ quan BHXH này đã phối hợp với ngành Bưu điện, các ngân hàng thương mại tuyên truyền tới người thụ hưởng về các tiện ích khi nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Qua đó vận động, hướng dẫn người thụ hưởng đăng kí mở thẻ ATM để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.
“Các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng số người thụ hưởng qua tài khoản ATM. Năm 2019, tỷ lệ trung bình người thụ hưởng các chế độ qua tài khoản ATM (hưu trí, trợ cấp BHXH, ốm đau, thai sản, dưỡng sức...) là 44% trên tổng số người hưởng, thì đến năm 2020 khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 02, con số này đã tăng lên 63%, tăng 19% so với năm 2019, và sang năm 2021 đạt 73%, tăng thêm 10% so với năm 2020”, vị đại diện cơ quan BHXH Hải Phòng cho biết.
Hệ sinh thái dành cho người cao tuổi
Để ngày càng nhiều người cao tuổi cởi mở và đón nhận hình thức nhận lương và thanh toán qua thẻ hoặc tài khoản ngân hàng, không thể thiếu những nỗ lực của khối ngân hàng thương mại trong hoạt động giới thiệu, nâng cấp và củng cố hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ tài chính được “may đo” riêng cho nhóm người về hưu.
Trao đổi với LienVietPostBank, đại diện ngân hàng này cho biết nhờ nhận biết sớm nhu cầu của phân khúc khách hàng cao tuổi đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính, LienVietPostBank đã nghiên cứu và đi trước đón đầu, cho ra đời dòng sản phẩm Thẻ Hưu trí – dòng thẻ dành riêng cho đối tượng khách hàng trong độ tuổi về hưu từ 5 năm trước.
Chủ thẻ hưu trí tại LienVietPostBank, theo đó, có thể tận hượng hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng từ nhận lương hưu, các nguồn an sinh, trợ cấp BHXH; thanh toán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và trực tiếp tại các điểm chấp nhận thẻ (POS); tới vay vốn hưu trí tại ngân hàng…. Và tất cả các tính năng, tiện ích này đang được hậu thuẫn bởi hạ tầng công nghệ số được ngân hàng này đầu tư để củng cố và nâng cao các trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng.
Tiến tới để tiếp tục vận động và khuyến khích người về hưu chuyển đổi hình thức nhận lương qua thẻ, ngân hàng này đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi dành cho chủ thẻ trong năm 2022, như miễn các loại phí sử dụng thẻ, phí rút tiền, phí thường niên…. Các chính sách này sẽ giúp tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng làm quen và chuyển đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Định hướng của LienVietPostBank cũng đang đi đúng hướng với chủ trương chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động thúc đẩy giao dịch thanh toán không tiền mặt trong những năm gần đây.
“Cơ chế dịch vụ hỗ trợ khách hàng đầy đủ, cùng với các chính sách ưu đãi hiện có của LienVietPostBank khi kết hợp được với các chính sách chuyển đổi hình thức nhận lương hưu từ BHXH Việt Nam sẽ là một biện pháp thiết thực đóng góp vào tiến trình phát triển nền kinh tế không tiền mặt của chính phủ”, vị đại diện LienVietPostBank nhấn mạnh.
Theo số liệu từ chuyên khảo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam” do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện năm 2019, dự báo tới năm 2029, người cao tuổi sẽ chiếm 16,5% tổng dân số Việt Nam, tương đương với 17,28 triệu người.
Người về hưu hay người cao tuổi, theo đó, sẽ đóng một vai trò then chốt trong hành trình xây dựng một quốc gia không tiền mặt tại Việt Nam trong những năm tới đây.