Khi nội lực được phát huy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm đầu năm 2015, Hà Nội đã có trên 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Để làm nên thành công này không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của Nhân dân và các DN.

Hàng ngàn tỷ đồng vốn xã hội hóa

Về xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn những ngày đầu năm mới, tuyến đường chạy về các thôn xóm được mở rộng khang trang, đảm bảo thông thoáng và sạch đẹp. Những nút thắt cổ chai, góc cua trước đây được nới rộng ra nên giao thông đi lại thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều. Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Nguyễn Hồng Ninh cho biết, thành quả đó là nhờ có sự tham gia đóng góp của người dân trên địa bàn. Xã Phú Cường có 3.282 hộ dân, trên 13.000 nhân khẩu, khi triển khai xây dựng NTM, phong trào xây dựng đường giao thông do xã phát động đã thu hút sự tham gia của 100% hộ gia đình, từ đóng góp kinh phí, ngày công lao động đến hiến đất mở rộng đường với tổng giá trị trên 25 tỷ đồng.

 
Nhân dân xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai đóng góp hàng tỷ đồng cải tạo giếng làng thành công trình văn hóa tín ngưỡng. Ảnh: Quang Thiện
Nhân dân xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai đóng góp hàng tỷ đồng cải tạo giếng làng thành công trình văn hóa tín ngưỡng. Ảnh: Quang Thiện
Xã Phú Cường chỉ là một trong số hàng trăm điểm sáng về huy động nguồn lực trong dân trên địa bàn TP. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, trong 4 năm qua, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đã có nhiều DN, tổ chức đoàn thể và Nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng NTM. Cụ thể, các DN và tổ chức đoàn thể đã đóng góp ủng hộ trên 1.300 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó có 60 DN hỗ trợ từ 100 triệu đồng trở lên, tiêu biểu như Ngân hàng CP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Mê Linh hỗ trợ 140 tỷ đồng xây dựng một số trường học và nhà văn hóa. Hay Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Cường Thịnh, huyện Đan Phượng hỗ trợ 2,9 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn…
Trong 4 năm triển khai Chương trình 02, TP đã huy động được 48.708 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các dự án xây dựng cơ bản khu vực nông thôn ngoại thành.

Về phía người dân, trong hơn 4 năm, toàn TP có 576 hộ gia đình đóng góp từ 100 triệu đồng trở lên, tiêu biểu như gia đình ông Phạm Thế Vinh (quận Hai Bà Trưng) hỗ trợ 6 tỷ đồng xây dựng một số công trình văn hóa ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì; gia đình ông Phạm Văn Sự (huyện Thường Tín) hỗ trợ 2,5 tỷ đồng cải tạo đường giao thông ngõ xóm và hệ thống đèn chiếu sáng… Đây là nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất và giải quyết an sinh xã hội…

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra

Bà Nguyễn Thị Tám - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Dương, huyện Đông Anh chia sẻ, thời gian đầu triển khai xây dựng NTM, xã gặp rất nhiều khó khăn vì đây là nhiệm vụ mới, cán bộ lại có tư tưởng ngại khó và lúng túng do chưa có kinh nghiệm. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, rồi tổ chức quán triệt đồng bộ bằng nhiều hình thức, thông qua 32 hội nghị tại xã và 6 thôn làng với hơn 5.000 lượt người tham gia. Đồng thời, xã công khai đề án quy hoạch, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân cho Đề án xây dựng NTM. Qua đó, người dân đóng góp tiền và ngày công trên 10 tỷ đồng, các DN đóng góp trên 5 tỷ đồng.

Bài học để huy động nguồn lực chính là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân. Như chia sẻ của anh Quách Xuân Nguyên, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai – một trong 12 hộ gia đình tiêu biểu vừa được Thành ủy tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU: “Mọi công việc được bàn bạc công khai dân chủ khiến Nhân dân luôn vững niềm tin vào xây dựng NTM”.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đánh giá một cách khách quan, nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM hiện nay vẫn còn hạn chế, chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Do đó, theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, các địa phương cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân, để người dân được tham gia bàn bạc dân chủ, công khai. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư tại chỗ phải phù hợp với điều kiện kinh tế của Nhân dân. Huy động DN tham gia cần có chính sách rất cụ thể và đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, huy động nguồn lực nội thành hỗ trợ ngoại thành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần