Khi quy luật cung - cầu lên tiếng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong sản xuất hàng hóa, có hai quy luật chi phối giá cả hàng hóa. Đó là giá cả xoay quanh giá trị và giá cả chịu sự tác động của quan hệ cung cầu.

Tất nhiên đó là quy luật chung của sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hàng hóa hiện đại, giá cả chịu sự chi phối rất lớn của quan hệ cung cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về nhiều mặt hàng do các tác động khác nhau bị giảm sút rất nhiều. Ví dụ, chính sách hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng giảm sút, các mặt hàng này rơi vào tình trạng ế ẩm… Lẽ ra, trong lúc hàng hóa ế ẩm do cung lớn hơn cầu các nhà sản xuất phải giảm giá bán để tiêu thụ được hàng, để cắt lỗ. Song, nhiều doanh nghiệp lại chọn cách kêu cứu. Họ kêu với Nhà nước phải cứu thị trường bất động sản. Họ kêu Nhà nước phải hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để dự trữ sắt, thép, xi măng… Tuy nhiên, Nhà nước giờ đây cũng đưa ra những quyết định cứng rắn hơn, cái gì của thị trường để thị trường giải quyết. Vì thế gần đây, các nhà sản xuất kinh doanh đã phải nhớ lại các quy luật của kinh tế thị trường. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã phải hạ giá bán căn hộ từ 25 - 35% để tự cứu mình. Nói là cứu cho có vẻ vậy thôi chứ theo tính toán, họ vẫn còn lãi chán. Việc hạ giá bán căn hộ chỉ làm họ bớt phần siêu lợi nhuận mà thôi. Sau bất động sản đến lượt sắt, thép, xi măng cũng phải hạ giá như ti vi, tủ lạnh… Điều này là cần thiết và đúng quy luật, nhất là khi nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến đã có mức tồn kho tới 20%.