Sĩ tử vái lạy tấm biển giao thông tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám trước kỳ thi THPT. Ảnh: Ngọc Tú |
Tuy nhiên năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, di tích phải tạm dừng hoạt động nên dòng người đến dâng hương, làm lễ lại thực hiện tín ngưỡng, khấn vái trước tấm biển “Hạ Mã”. Phụ huynh dẫn theo sĩ tử dâng lễ, khấn vái sì sụp giống như khi xin tài lộc, công danh ở các đền, phủ nổi tiếng. Nhiều sĩ tử và người nhà chỉ đến lễ khi nghe đồn ở Văn Miếu có nơi thờ thiêng, chẳng cần biết tấm bia mình đang cúi đầu, khấn vái có nguồn gốc, ý nghĩa gì là tấm bia "Hạ Mã" (xuống ngựa) - biển báo giao thông xưa. Rõ ràng, hiện tượng khấn vái lấy được, theo trào lưu, không thể quản nổi dù đã cắm biển thông báo, cử người đứng trực để nhắc nhở nhưng không thành đã đi ngược với tinh thần hướng về tri thức, hành động dựa trên hiểu biết mà người đi học, đi thi cần phải có.Nhớ về những năm trước, chuyện cầu may của các sĩ tử được diễn ra ở bên trong di tích, trước các tượng thờ. Khi đó, các tượng thờ bị nhét tiền vô tội vạ ở các bệ đỡ, kẽ ngón tay còn những cụ rùa đá đội bia tiến sĩ trở thành là “mục tiêu” của các sĩ tử để xoa tay lên đầu, lấy may với niềm thi cử sẽ đỗ đạt. Chưa biết hiệu quả của việc lấy may của các sĩ tử đạt hiệu quả ra sao, nhưng trào lưu ấy thịnh hành đến mức, Ban Quản lý Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phải căng dây, cử người bảo vệ, dựng bảng thông báo để nhắc nhở người dân. Cầu may trước các kỳ thi là quyền của mỗi người, cũng là nét tín ngưỡng văn hóa cần được tôn trọng. Tuy nhiên, ở một công trình là biểu tượng tri thức của quốc gia như Văn Miếu, chuyện bi hài thể hiện sự thiếu hiểu biết ấy không nên xảy ra.Đến nay, sau phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hiện tượng người dân và sĩ tử khấn vái đã giảm. Nhưng đây cũng là hồi chuông để cảnh tỉnh rằng, nền móng của tri thức, “nguyên khí của quốc gia” được xây dựng, bồi đắp từ những “hiền tài”, không xuất phát từ việc khấn vái ở những tấm biển thời này có nghĩa diễn xuôi là “xuống xe, tắt máy”.