Giao thông vận tải đóng góp 70% lượng bụi, khí thải
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Yến Liên – Khoa Môi trường ATGT, trường Đại học GTVT cho biết, theo dữ liệu mới nhất của Tổ chúc Y tế Thế giới (WHO), 97% TP thuộc các quốc gia thu nhập thấp không đáp ứng được hướng dẫn về chất lượng không khí theo tiêu chuẩn của WHO. Tỷ lệ này giảm xuống còn 49% ở các nước có thu nhập cao.
Theo đánh giá của WHO, giai đoạn 2008 – 2017, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 500 TP có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất. Trong đó, Hà Nội ở vị trí 214 và TP Hồ Chí Minh là 279… và một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí chính là giao thông vận tải (GTVT).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thông tin, theo nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy, GTVT là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường không khí… Điều này đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi tới sức khỏe cộng đồng.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố… ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Các chuyên gia khẳng định, mặc dù TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng nó vẫn diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là việc giảm thiểu khí thải nhà kính. Dẫn chứng về việc này, các chuyên gia nhấn mạnh, theo thống kê tổng lượng khí thải nhà kính của Hà Nội năm 2015 là khoảng 18,2 triệu tấn Co2, tương đương 7% tổng lượng phát thải của quốc gia. Dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 42,7 triệu tấn nếu chúng ta không có biện pháp giảm thiểu.
Cần những biện pháp cấp bách
Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) cho biết, ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Song, không dễ để thực hiện được vấn đề này nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và nhận thức của người dân.
PGS. TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do GTVT gây ra, cần sớm triển khai các biện pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, trước mắt cần tăng cường giám sát phát thải qua đăng kiểm, giới hạn thời gian lưu hành xe máy, có chế đô thu hồi xe cũ gây ô nhiễm, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường… Đồng thời, đánh thuế môi trường cả xe ô tô và xe máy, những phương tiện đã sử dụng từ 5 năm trở lên phải nộp thuế, cứ sau 1 năm thuế này lại tăng lên để người dân biết được giá trị của môi trường.
Song, về lâu về dài PGS. TS Nguyễn Văn Sơn kiến nghị Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần tăng cường phát triển hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao thành một mạng lưới giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Khuyến khích sử dụng xe điện, trợ giá xe điện, có chế độ hỗ trợ người sử dụng xe điện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ di dời các trường học, cơ quan, đơn vị hành chính ra ngoài Thủ đô.
Đồng quan điểm, bà Ngụy Thị Khanh – Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho rằng, cùng với các biện pháp kiểm soát các phương tiện, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thế cho phát triển xe điện. Trong đó, xây dựng và ban hành các chính sách ưu tiên phát triển xe điện; Phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, quỹ đất để bố trí trạm sạc); Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc… để hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân theo các mục tiêu đã đề ra.