Bạch thầy, đất nước ta đang đứng trước vận hội mới. Thầy có thể trò chuyện với độc giả báo Kinh tế & Đô thị đôi điều về khí và vận?
Đại đức Thích Thanh Quyết: Theo triết học phương Đông, khái niệm của khí có phạm vi rất rộng, bao gồm: Khí của tự nhiên, khí của con người, khí của âm dương ngũ hành, khí của sự vận động sinh mệnh, khí của tinh thần linh tú, linh khí, đạo khí của tiên thiên... Trong triết học Đạo gia, khí được coi là nền tảng ban đầu để tổ thành và liên hệ giữa thiên - địa - nhân, là hình thái tồn tại của Đạo. Theo triết học, thì Đạo là tính thứ nhất, khí là tính thứ hai.Khắp cả vũ trụ đều tràn đầy khí, người ở trong khí, khí ở trong người, vạn vật đều nhờ vào khí mà được sinh. Sự sinh, lão, bệnh, tử - họa, phúc, cát, hung - thịnh, suy của con người và thế giới đều do khí chủ thể. Khí do Đạo hóa sinh ra, nhưng khí lại quy tụ được thiên - địa - nhân - vạn vật. Cho nên, vạn vật là thể hiện của khí, thông qua vạn vật thì biết khí thịnh hay suy. Thông qua khí sẽ biết sự hưng thịnh của vạn vật và con người, dân tộc, quốc gia. Khí của đất nước chính là hồn thiêng sông núi, khí thiêng dân tộc đã được đúc kết hàng ngàn vạn năm nay.Vận lại là sự thể hiện của khí đến với từng dân tộc, từng quốc gia, xã hội, con người, đến cả giới tự nhiên. Vận của đất nước phù hợp với khí của đất nước. Vận thực chất là theo khí, khi khí tốt thì vận tốt, khi khí không tốt thì vận xấu sẽ đến. Vận là cái tiếp tục thể hiện của khí, cái ngoài của khí. Đạo sinh ra khí, khí sinh ra vận. Đạo - khí - vận thống nhất với nhau, vận là sự thể hiện của khí, khí là sự thể hiện của đạo. Khi khí tốt thì vận tốt.Chỉ với con người, khi khí tốt thì sức khỏe, trí tuệ lành mạnh, cường tráng, thông thoáng, khí bên trong mạnh, tinh thần mạnh. Còn khi khí xấu, kém thì cái gì cũng kém. Đấy là khí thể hiện ra vận. Vận còn thể hiện ra mệnh, mệnh và vận có mối quan hệ khăng khít với nhau. Khi thấy con người khí đang vượng thì khi đó vận tốt, mệnh tốt, đi vào chỗ khó khăn cũng sẽ vượt qua tất cả.Khí của đất nước phụ thuộc vào thiên - địa - nhân và đạo của đất nước. Đạo không chỉ là đạo Phật, đạo Nho, đạo Giáo... mà đạo là tinh thần cao nhất, được kết tinh từ hồn thiêng của dân tộc, sông núi từ hàng vạn năm nay, đặc biệt hồn thiêng của những anh hùng dân tộc đã có công dựng nước, giữ nước bảo vệ giống nòi của người Việt. Hồn thiêng ấy kết thành hồn thiêng dân tộc. Từ hồn thiêng ấy tạo thành khí thiêng dân tộc. Đất nước mình gần đây qua mấy cuộc chiến tranh, sự mất mát hi sinh... đã tụ khí cho dân tộc.Mấy năm nay, Đảng, Nhà nước cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ chức những đại lễ rất lớn nhân các ngày lễ lớn như ngày thương binh liệt sỹ, cầu quốc thái dân an... nên vào thời kỳ 2006 này, tự nhiên vận khí của đất nước rất khác, có cái bất bình thường, báo hiệu cho một sự hưng thịnh sắp tới.
Vượng khí của cuối 2006 có ảnh hưởng đến vận khí của 2007 và tương lai. Thầy có thể nói rõ hơn về điều này?Đại đức Thích Thanh Quyết: Cho đến bây giờ nhìn thiên nhiên giới, nhìn con người... thấy đều có một màu sắc vượng, nhất là 2007 trở đi sẽ rất vượng. Qua quan sát vạn vật thì biết khí vận của dân tộc, vì nhìn mọi người thấy rất phấn khởi, hưng phấn, con người chưa mấy khi có trạng thái vượng khí như bây giờ. Sau khi gia nhập WTO và tổ chức thành công APEC, gần như không cần ai nói với ai nhưng nhìn khí sắc của mọi người, từ rừng núi đến thành thị đều có khí mới rất mạnh, nó vượng nhiều gọi là vượng khí. Mọi người được vượng khí thì dân tộc được vượng. Khi khí đã vượng rồi thì vận của đất nước sẽ được chuyển.Như thầy vừa nói, khí và vận của đất nước có mạnh thì đất nước mới mạnh, gọi là vượng khí, cũng như khí trong con người có tốt thì người đó mới có sức khoẻ, làm mọi việc đều thành công, nhưng thưa thầy, khí và vận thể hiện ra thế nào?Đại đức Thích Thanh Quyết: Khí của đất nước vượng thể hiện ở thời tiết đẹp, cây cối muôn vật tốt tươi nhưng chủ yếu ở con người. Chúng ta dễ thấy tất cả mọi người ai cũng khác trước, cũng những nét mặt ấy, những năm trước đăm chiêu nhiều thì nay thảnh thơi cởi mở. Tự nhiên toát ra sự thanh thoát, đó là khí thanh thoát. Việc làm, tư duy cũng sẽ thanh thoát theo. Những người đang sống đầy vượng khí thể hiện ra khuôn mặt, cách nói, việc làm. Nhìn chung, khí sắc con người thư thái thể hiện khí dân tộc đang vượng phát.Khí trong tổng thể của đất nước vượng thì trên các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội, quốc phòng tự nhiên vượng theo. Qua một thời gian rất ngắn, một số vấn đề xã hội, tâm linh trong năm 2006 có nhiều thay đổi lớn. Trong cơ chế lãnh đạo, tuy thời gian không dài nhưng với bộ máy mới thấy người dân đặc biệt tin tưởng. Tức là cả dân tộc tin vào, hùn tâm mình vào những nhà lãnh đạo cao nhất, thì tự nhiên vượng khí cũng được thể hiện ở các vị lãnh đạo cao nhất, tạo ra một đà mới, sức sống mới của dân tộc vào cho con người, thể hiện qua những việc làm lời nói, đối nội, đối ngoại. Do vậy, lòng dân càng tin hơn, càng gửi tâm mình hơn, dẫn đến các vị càng yên tâm đưa ra những quyết sách lớn để cho dân tộc bước vào những vận hội mới hòa nhập với thế giới.
Nước ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO và ngày càng có uy tín trên thế giới phải chăng là do khí và vận của dân tộc?Đại đức Thích Thanh Quyết: Chính vận của dân tộc đã đẩy các nước thành viên của WTO phải chấp nhận cho mình vào để cùng có lợi. Như vậy chủ yếu là vận của đất nước, do nội lực đủ rồi thì các nước thành viên mới kéo vào chứ nội lực kém chẳng ai đưa vào, vì đây là một tổ chức song phương, đa phương, bình đẳng và cùng có lợi. Đương nhiên khi vào tổ chức WTO thì phải tuân thủ một số quy định. Đây là sự chứng minh sức mạnh của dân tộc, nội khí của dân tộc, hoặc như ta tổ chức cực kỳ thành công APEC cũng là từ nội khí dân tộc mà có, trong đó toàn bộ người Việt Nam đồng tâm cùng làm nên đã thành công hiếm có.
Nhưng quy luật của tạo hóa trong thịnh bao giờ cũng có suy...?Đại đức Thích Thanh Quyết: Đúng vậy, khí và vận của dân tộc luôn đi với nhau, khí tốt thì vận tốt. Tuy nhiên, song hành với nó cũng có những mặt trái ngược vì dương luôn đi kèm với âm mới tạo ra vạn vận, thịnh suy luôn đi cùng với nhau tạo thành xã hội, không có cái thịnh nào đi lên mà thuần thịnh, mà bên cạnh nó có điểm yếu nhất định. Khi biết được quy luật này ta nên đẩy cái thịnh lên, biến suy thành thịnh, song thịnh càng lớn thì suy cũng xuất hiện càng lớn nên phải luôn tỉnh táo xử lý cái suy. Những phạm trù này luôn tồn tại trái ngược bổ sung thúc đẩy cho vượng khí, cho vận tốt càng tốt hơn. Triết học phương Đông nói: Trong phúc có họa, trong họa có phúc, họa phúc xoay vần, khi có phúc phải cảnh giác họa, khi họa đến cũng không buồn, mà biến họa thành phúc.
Hà Nội là trái tim của cả nước, khí và vận của cả nước sẽ hun đúc vào Hà Nội và ngược lại, vậy vượng khí của Hà Nội thời gian gần đây và tương lai sẽ thế nào, thưa thầy?Đại đức Thích Thanh Quyết: Tôi là người sống nhiều năm ở Hà Nội, thấy hiếm có khi nào vượng khí như bây giờ. Mối quan hệ giữa Hà Nội với dân tộc là quan hệ khăng khít nhất, Hà Nội là trung tâm, Hà Nội có khí vượng thì khí dân tộc mới vượng được. Mọi người đã hướng về Hà Nội, cho nên thời gian gần đây người Hà Nội bừng bừng hơn tất cả, và niềm tin của người dân Hà Nội cũng gửi vào nhà lãnh đạo, bộ máy lãnh đạo, những vị đang chịu trách nhiệm trước dân tộc có tâm với nhân dân, với dân tộc cho nên nói vận khí của dân tộc tốt thì trước hết được thể hiện tốt ở Thủ đô. Vượng khí này không chỉ thể hiện ở cuộc sống vật chất đầy đủ, mà còn thể hiện ở cuộc sống tinh thần vui tươi, con người được tự do mọi mặt. Người dân Hà Nội, nhất là lớp già, được thoải mái trong lĩnh vực tinh thần, trong muôn vàn niềm vui thì niềm vui vận mệnh là vui nhất.Người Hà Nội vào dịp Tết vui với núi sông, vui với chùa chiền, vui với những nơi có linh khí tốt, để hoà nhập vào trong mình. Không những thế mà tại Hà Nội, từ trẻ đến già, việc đầu tiên đầu năm là thắp hương tổ tiên rồi đến chùa trước, sau đó có đi thăm ai mới đi. Phong cách đó thể hiện sự quy tụ của vượng khí dân tộc. Khí có khắp trong dân tộc, vùng nào có người dân thiện tâm thì nó tụ vào vùng ấy. Trong những năm vừa rồi, Hà Nội chuẩn bị những bước đi toàn diện, mà rất chú trọng văn hoá tâm linh và đương nhiên với sự chú trọng đó, Hà Nội sẽ được hưởng những thành quả lớn của dân tộc.Đối với dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới, trong gần 10 năm trước, Hà Nội đã có kế hoạch rất lớn để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm này. Nhiều di tịch lịch sử văn hoá cha ông để lại được trùng tu, các lễ nghi, tư tưởng của các đạo như đạo Phật, đạo Nho và đạo Giáo đã kết thành văn hoá dân tộc và người dân Hà Nội cũng sống hoà nhập với nền văn hoá đó. Với đà này, tôi tin về phần tinh thần, người Hà Nội đã tụ khí rất mạnh, song tôi cũng như nhân dân cả nước mong phần xác, phần vật thể của những di tích Hà Nội được đẩy mạnh hơn nữa để đến dịp kỷ niệm có cả phần vật thể và phi vật thể.Trên các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có một điều rất mừng là quy hoạch của thành phố đều không động đến nơitâm linh, cụ thể là các chùa chiền, đền miếu, một số điểm trong lịch sử mà cha ông ta ngày xưa đã tạo dựng lên để giữ tâm linh của Hà Nộiđể bảo vệ sự phát triển Thủ đô, của dân tộc như: Trấn võ, Trấn quốc, Trấn đông, Trấn tây, Trấn nam, Trấn bắc... Việc quy hoạch một số con đường sắp tới cũng vậy, tôi cho rất phù hợp.
Nhân dịp năm mới Đinh Hợi, thầy có nhắn nhủ điều gì đến với độc giả của báo Kinh tế & Đô thị?Đại đức Thích Thanh Quyết: Nhân dịp năm mới, qua báo Kinh tế & Đô thị, cho tôi gửi tới bà con lời chúc sức khoẻ an lành. Một năm vận tốt, khí vượng, cầu nguyện cho toàn dân tộc sẽ nắm bắt được quy luật và những sự vận hành của khí và vận để đưa dân tộc đến một cảnh giới thịnh vượng.
Xin cảm ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khoẻ!