Khi tục ngữ… phải đảo nghĩa!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tục ngữ là thể loại văn học dân gian, đúc kết kinh nghiệm, tri thức của Nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền đạt… Trong thời đại 4.0, nhiều lúc người ta lại có cách “đảo” tục ngữ, nghe xong cũng có chiều thấm thía.

Nói về cách “đảo nghĩa” tục ngữ, ví dụ, các cụ xưa nói: “Khôn đâu đến trẻ - Khỏe đâu đến già”; nay câu tục ngữ trên được vận ngược lại rằng: “Khôn chi khôn già – Khỏe chi khỏe trẻ”. Nói vậy bởi nhiều người cao tuổi, nhiều kinh nghiệm sống, nhưng vẫn bị các mánh khóe như bán hàng đa cấp, hụi họ…lừa; ngược lại, mỗi sớm (trước khi dịch Covid -19 xảy ra), trong vườn hoa, ngoài công viên, các khu vui chơi công cộng, toàn thấy lớp trung niên, bậc cao tuổi rèn luyện sức khỏe… chứng tỏ, trẻ chắc gì đã khỏe!
Trào lộng một chút cho vui, nhưng ngẫm lại, ngày nay có nhiều giá trị truyền thống đã thay đổi.
Mới đây (chiều 15/7)  tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên; từ câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nói: “Bây giờ người trồng cây phải biết ơn người ăn quả, vì nếu nhu cầu thị trường giảm, sản phẩm dư thừa thì người trồng cây sẽ bị thiệt hại” (xin dẫn link - https://nongnghiep.vn/bo-truong-le-minh-hoan-bay-gio-nguoi-trong-cay-phai-biet-on-nguoi-an-qua-d296997.html). Đây là một dẫn chứng sinh động về sự cần thiết phải “đảo” lại câu tục ngữ trên cho phù hợp với thực tại…
Bởi với sản phẩm nông nghiệp, mấy năm gần đây xã hội luôn phải hô hào, "giải cứu" các loại, từ thanh long, dưa hấu, vải thiều, hành tím, bắp cải, su hào, cà chua... Thiết nghĩ, nếu chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy hoạch vùng sản xuất, các bộ, ngành có sự bắt tay chặt chẽ, có hệ thống phân phối hàng hóa khoa học… chắc chắn sản phẩm do người nông dân sản xuất ra không đến mức phải đổ bỏ ngoài đồng, hoặc cần "giải cứu". Nếu không, người nông dân làm ra sản phẩm, vẫn luôn là đối tượng chịu thiệt thòi.
 Ảnh minh họa
Câu chuyện của vị Tư lệnh ngành nông nghiệp khiến chúng tôi nhớ đến việc khi chúng ta đi cổ vũ cho một trận bóng đá hoặc thể thao, chính là tiếp sức cho các cầu thủ, vận động viên. Bóng đá rất cần cổ vũ, nông nghiệp cũng vậy, nhưng nếu chỉ cổ vũ thôi chưa đủ. Trên thực tế, lời nói và việc làm xưa cũng như nay, đôi lúc vẫn có một khoảng cách rất xa… Nếu trách nông dân rằng tại sao lại ồ ạt cùng trồng ra một loại nông sản, để dẫn đến dư thừa, nhưng cũng cần thấy rằng, nếu có đầu óc chiến lược… chắc gì họ đã cam chịu cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời…
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần