Khiếu kiện nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi tọa đàm - tư vấn trực tuyến tổ chức cuối tuần qua tại trụ sở báo Kinh tế & Đô thị, các luật sư, luật gia đã tư vấn trực tuyến với độc giả về lĩnh vực pháp luật tố tụng hành chính.

Trong đó, nhiều câu hỏi của bạn đọc xoay quanh các quy định liên quan đến Tòa án trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Bạn đọc Tạ Phương Anh (taphuonganh@gmail. com) thắc mắc, sau khi gửi đơn khởi kiện trực tiếp đến tòa án, công việc của Tòa án phải làm gì? Đây cũng là quan tâm của nhiều bạn đọc. Theo luật gia Phạm Thu Hương (Hội Luật gia TP Hà Nội), Điều 121 Luật Tố tụng hành chính quy định về việc nhận và xem xét đơn khởi kiện. Theo đó, Tòa án nhận đơn do người khởi kiện nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và ghi vào sổ nhận đơn. Việc nhận đơn khởi kiện được ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và đưa ra quyết định…

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Văn Chiến

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Đức Hạnh (Hà Nội) băn khoăn, những khiếu kiện nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án? Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính, các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống; Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Khiếu kiện danh sách cử tri; Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính (trừ các quyết định, hành vi sau: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Bạn đọc Huyền Trang (huongnam91@gmail.com) thắc mắc xung quanh việc rút đơn khởi kiện vụ án hành chính đã được Tòa án thụ lý, và liệu có được lấy lại án phí đã nộp không? Luật sư Nguyễn Quốc Việt cho rằng, theo quy định tại Điều 123 Luật Tố tụng hành chính, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp: Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại. Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao lại và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu. Khi đã rút đơn khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.
Ngoài ra, các luật gia, luật sư cũng tư vấn trực tuyến những thắc mắc của bạn đọc xung quanh thời hạn giải quyết vụ án hành chính; ai phải chịu án phí trong vụ án hành chính, và án phí được tính thế nào; kháng cáo bị quá hạn có được chấp nhận; có được khiếu nại bản án sơ thẩm; những tài liệu được xác định là chứng cứ phải đảm bảo yêu cầu gì; chứng cứ trong vụ án hành chính là gì và được thu thập từ nguồn nào; người khởi kiện vụ án hành chính có quyền gì; việc bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính được giải quyết thế nào…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần