70 năm giải phóng Thủ đô

Khiếu nại hàng giả: Ít người tiêu dùng "lên tiếng"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đại diện Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng một phần là do tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất nhiều thời gian và không hiểu việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không.

KTĐT - Đại diện Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng một phần là do tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất nhiều thời gian và không hiểu việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không.

Tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà, mất nhiều thời gian, không nắm rõ luật cũng như không biết việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không, khiến rất ít người tiêu dùng "lên tiếng" khi bị xâm hại quyền lợi trong năm qua.

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam đánh giá năm 2009, ghi nhận có rất ít trường hợp người dân đòi hỏi cho quyền lợi của mình thành công.

Ví dụ, trường hợp bà Nguyễn Quang Lệ Trinh ở quận Gò Vấp, được Công ty Đầu tư Nguyễn và các cộng sự tư vấn về dịch vụ định cư tại Mỹ. Nhưng nội dung tư vấn không rõ ràng khiến bà Trinh mất số tiền đặt cọc 6.000 USD và chi phí cho một chuyến đi sang Mỹ. Vụ việc đưa đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, chỉ sau khi tổ chức hòa giải, Nguyễn và các cộng sự mới trả lại cho bà Trinh 3.250 USD.

Tương tự, bà Thái Thị Kim Loan cũng "tiền mất tật mang" khi đi sửa mũi tại bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Chi phí cho ca phẫu thuật 15 triệu đồng nhưng không thành công khiến mặt bà bị sưng tấy. Tuy nhiên bệnh viện đã không có một lời xin lỗi nào cũng như bồi thường thiệt hại. Sau khi văn phòng bảo vệ người tiêu dùng phía Nam can thiệp và hướng dẫn bà Loan viết đơn khiếu nại lên giám đốc bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, thì bệnh nhân này mới được bồi thường 80% chi phí mổ.

"181 khiếu nại và 207 ý kiến phản ánh của người tiêu dùng trong năm 2009, cho thấy đây chỉ là con số rất nhỏ so với thiệt hại mà người dân phải gánh chịu vì dùng phải sản phẩm kém chất lượng", đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam phân tích.

Đánh giá về việc người tiêu dùng ít khiếu nại dù quyền lợi bị vi phạm, đại diện Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng một phần là do tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất nhiều thời gian và không hiểu việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không.

Không những ngại "lên tiếng", hầu hết người tiêu dùng đều chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi của mình, nên chuyện đấu tranh còn rất hạn chế. Qua đó cho thấy pháp luật chưa thật sự đi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

Thống kê năm 2009 của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, số lượng khiếu nại tăng 31 vụ so với năm 2008. Trong đó, khiếu nại về dịch vụ tăng gấp đôi, điều này cho thấy sự đi xuống của chất lượng dịch vụ đối với khách hàng. Năm qua cũng chứng kiến sự "bùng nổ" khiếu nại dịch vụ bưu chính viễn thông chiếm tới 21% trong tổng số 38 khiếu nại về chất lượng dịch vụ năm 2009, đặc biệt là về chuyện tính cước điện thoại và internet.

Về chất lượng hàng hóa, khiếu nại về hàng điện tử, điện gia dụng đứng đầu với gần 25% trong số 143 trường hợp người tiêu dùng nhờ phân xử, chủ yếu là các vi phạm về hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không rõ xuất xứ...