Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khiếu nại, tố cáo tăng do lãnh đạo chưa làm tròn trách nhiệm tiếp dân

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/11, thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng khiếu nại, tố cáo là do chưa làm tốt việc đối thoại, tiếp công dân.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum).
Giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội cũng cho thấy, đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định còn 36 tỉnh chưa đạt mức theo quy định. Đặc biệt tỷ lệ tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch UBND xã đạt rất thấp, so với quy định chỉ đạt 24%, có tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt dưới 5%. Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, mặc dù số vụ việc khiếu nại, tố cáo có yếu tố đúng chiếm 25-35% nhưng số cán bộ bị xử lý trách nhiệm còn ít, thậm chí có địa phương chưa xử lý trường hợp nào.
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) lưu ý một nguyên nhân, đó là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở. Một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc (tức là từ cơ sở), thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp. “Thực tiễn cho thấy, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo mà được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình, có lý ngay từ đầu tại cơ sở thì người dân đồng tình, chấp thuận, ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp”- ĐB nói.
Theo ĐB, phải hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai. Người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất.
“Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu mà phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện. Mặt khác, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân có uy tín và cá nhân am hiểu pháp luật như luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên... là rất quan trọng”- ĐB nêu.
ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh)
ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được ban hành tương đối đầy đủ và chặt chẽ nhưng quy định trình tự, thủ tục về tiếp thu, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân thì chưa được ban hành. Do đó, khi công dân thực hiện kiến nghị, phản ánh và việc xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục nào. Cho nên đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ. Dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục lỗ hổng của vấn đề này. “Nguyên nhân bao trùm dẫn là do chưa bố trí được cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều nơi cán bộ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo của người dân thiếu tận tụy, chưa toàn tâm, toàn ý với công việc, thiếu thân thiện, thiếu tôn trọng, thiếu lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân”- ĐB nêu.
ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, đào tạo lại cũng như nâng cao chất lượng các lớp tập huấn chuyên đề hoặc bồi dưỡng về kỹ năng công tác này hàng năm. Lựa chọn những cán bộ giỏi, tâm huyết, có năng lực, phẩm chất làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mỗi cán bộ, công chức ở lĩnh vực này cần hành động theo phương châm lắng nghe để người dân nói, làm gương để người dân noi theo, tuyên truyền để người dân hiểu, giải thích để người dân tin. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo giá trị và hiệu quả công việc.
Cũng nhấn mạnh việc cầnn tăng cường tiếp công dân, gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với công dân, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng: Đặc biệt, các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, gay gắt, để chính quyền các cấp có quyết định, kết luận rõ ràng, đúng sai, thỏa đáng. Ở vấn đề này, tôi đề xuất ở góc độ nào đó quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ giải thích rõ cho công dân. Nếu công dân đúng, ở góc độ người giải quyết và cơ quan nhà nước có những khiếm khuyết trong giải quyết các vấn đề cụ thể cho công dân cũng cần làm rõ và có hướng khắc phục sớm những bức xúc của công dân, để rõ đúng, sai khách quan trong từng vụ việc giải quyết.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng băn khoăn một điều là chúng ta phải xem xét lại vấn đề chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, chúng ta ngược trở lại một số vấn đề mà các đại biểu đã phát biểu, đó chính là chất lượng tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân.
“Cá nhân tôi đã đi một số nơi tiếp xúc với các vụ việc, tiếp xúc với các nhóm cử tri thì người ta không bằng lòng về cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ, có những trường hợp đuổi người ta và đặc biệt tôi nhận được lá đơn của cử tri phản ánh: Có đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút, họ mô tả là nói câu gì, làm động tác gì, cuối cùng họ kết luận là đồng chí đó đi nhậu với một đám khác và người ta đến tận chỗ nhậu đó nhưng họ không chụp ảnh, nếu chụp ảnh đó về đưa lên trung ương thì chúng ta rất khó chấp nhận. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi”- ĐB dẫn ra. Đồng thời đề xuất, lãnh đạo trên tỉnh hết sức cảnh giác với các báo cáo của cấp huyện, cấp xã. Có những trường hợp các đồng chí không xử lý đến nơi, đến chốn là các đồng chí sẽ bị oan. Bên dưới đã có nhiều trường hợp cấp xã báo cáo lên huyện sai, huyện lại tiếp tục báo cáo lên tỉnh sai, khi trung ương vào cuộc phát hiện ra sai.