70 năm giải phóng Thủ đô

Khiếu nại tố cáo tồn đọng tập trung vào đất đai: Nhiều vướng mắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 9/10, Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) đã giám sát kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo 9 tháng năm 2012 và giải quyết các vụ khiếu nại tồn đọng theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội tại các huyện Đan Phượng, Hoài Đức.

Khiếu nại tố cáo tồn đọng tập trung vào đất đai: Nhiều vướng mắc - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
 

Theo lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nên tất cả các vấn đề liên quan đến công tác GPMB đều được lãnh đạo UBND huyện trực tiếp đối thoại, giải thích với dân. Trong 9 tháng năm 2012, huyện có 39 vụ việc khiếu nại, tố cáo, huyện đã xem xét giải quyết 35 vụ, hiện đang xem xét giải quyết 3 vụ. Trong các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, huyện Đan Phượng có 10 vụ, đến nay đã xem xét giải quyết 9 vụ. Hiện còn vụ việc ông Trần Quang Hải trú tại xã Tân Lập khiếu nại liên quan đến đấu thầu diện tích đất khu Ao Giếng từ năm 1991. Tuy nhiên, vụ việc tồn đọng này lại khá phức tạp do sự chưa thống nhất giữa các cơ quan Nhà nước. Đây cũng là vụ việc khiến các thành viên đoàn giám sát đặt nhiều câu hỏi khi sự việc khởi đầu từ năm 1991, nhưng đến nay đã hơn 20 năm vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Tại huyện Hoài Đức, kết quả giám sát cũng cho thấy, còn 4 vụ việc tồn đọng theo Nghị quyết 22, đều liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết dứt điểm. Theo lãnh đạo huyện Hoài Đức, chính tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp của nhân dân bị thu hồi nhiều, đất đai ngày càng có giá dẫn đến mâu thuẫn lợi ích cá nhân ngày càng cao và đơn thư khiếu nại tố cáo nhiều. Cùng với đó, chính sách pháp luật, đặc biệt về đất đai có nhiều thay đổi và còn bất cập nên việc áp dụng giải quyết còn khó khăn. Một số vụ việc kéo dài, thiếu tài liệu lưu trữ nên việc thu thập tài liệu mất thời gian...

Về thời gian giải quyết khiếu kiện kéo dài quá thời hạn quy định, lãnh đạo các huyện đều thừa nhận, đây là một thực tế khó khắc phục bởi nó liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, tình trạng một số cán bộ xã né tránh, đùn đẩy, ngại va chạm, khiến nhiều vụ việc trở nên phức tạp.

Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cán bộ huyện cần rút kinh nghiệm khi nhiều vụ việc đã giải quyết xong, không có khiếu kiện, nhưng vì không có văn bản báo cáo nên vẫn bị liệt kê vụ việc tồn đọng. Cùng với đó, các huyện cần làm rõ vụ tố cáo, khiếu nại đúng, sai hoặc có đúng có sai để phân rõ trách nhiệm và hướng giải quyết. Ông Nam cũng nhấn mạnh tới việc theo bám vụ việc đến cùng, "xong, không có nghĩa chỉ dừng ở ra quyết định giải quyết". Đồng thời, các huyện cần phối hợp tốt hơn với các sở, ngành của thành phố để giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn, đặc biệt những vướng mắc vượt thẩm quyền của huyện.