Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khiếu nại tố cáo vẫn phức tạp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) năm 2019.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2019 tình hình KNTC của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về KNTC như lĩnh vực môi trường, liên quan đến đất nông - lâm trường; quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp
Đáng chú ý, một số vụ việc KNTC liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất chưa thấu đáo, kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt, điển hình là KNTC của công dân Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh.
Thống kê cho thấy, trong năm 2019, các cơ quan hành chính tiếp nhận 299.544 đơn thư các loại (bao gồm đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh). So với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6% nhưng số lượt công dân đến các cơ quan Nhà nước KNTC, kiến nghị phản ánh tăng 4,3%.
Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người (đã xử lý 388 người), chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.
Ở lĩnh vực tư pháp, theo Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang, trong thời gian qua, tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gây áp lực rất lớn cho các cơ quan Nhà nước nói chung và TAND nói riêng.
Trong 10 tháng qua, các TAND đã nhận được 20.888 đơn thư các loại. So với cùng kỳ năm trước, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý mới tăng 571 đơn. “48 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức Tòa án có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án, vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị” - ông Lê Hồng Quang cho biết.
Cùng với việc giải quyết các đơn tố cáo và qua công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, các Tòa án đã xử lý kỷ luật 34 công chức, người lao động đang công tác tại các TAND địa phương do vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong công tác và vi phạm quy định về quy chế công vụ của Tòa án (trong đó có 1 Thẩm phán và 1 Thư ký bị xử lý về hình sự).
Đồng tình với kết quả đánh giá công tác giải quyết KNTC được Chính phủ đưa ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh đến thực tế, trong quá trình giải quyết vẫn còn địa phương chưa chú trọng đúng mức tới công tác đối thoại, một số trường hợp chưa thực hiện đúng quy trình, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn. Đó là nguyên nhân khiến KNTC kéo dài, vượt cấp.
“So với cùng kỳ năm 2018, tình hình KNTC của công dân trong năm 2019 vẫn diễn biến phức tạp. Về cơ cấu, lĩnh vực KNTC không có nhiều thay đổi so với năm trước, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm 67,7% tổng số đơn. Tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ.

Sau 5 năm thi hành Hiến pháp 2013, còn “nợ” nhiều quy định

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Thống kê cho thấy, để thi hành Hiến pháp, tính từ tháng 1/2014 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 111 luật, bộ luật, pháp lệnh, trong đó có 69 bộ luật, luật, pháp lệnh thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718, chiếm tỷ lệ 62,16% tổng số luật, bộ luật, pháp lệnh được thông qua.

Tuy nhiên, việc ban hành các luật, pháp lệnh trong danh mục triển khai thi hành Hiến pháp vẫn chưa đạt. Tính đến ngày 14/6/2019, còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong kế hoạch chưa được ban hành (chiếm 16,7%). Trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành thì có những luật chậm ban hành so với dự kiến tiến độ đề ra 2 năm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, công tác triển khai Hiến pháp 2013 là rất tích cực với khối lượng công việc rất lớn. Tuy vậy, vẫn còn những vấn đề cần được chỉ ra thẳng thắn, rõ ràng hơn để từ đó có hành động cụ thể thực hiện tốt hơn Hiến pháp 2013.