Kinhtedothi - Ngồi nghe nói chuyện thú chơi, nghề chơi, thấy như năm mới đã đến cửa. Mà những mùa xuân cũ của vàng son văn hóa, của nếp sống lịch lãm phố phường năm xưa cũng đồng vọng. Và trong tâm hồn nhà sưu tập cổ vật, hình như thường trực vẻ lung linh của một nguồn sáng luôn vọng lại từ di sản.
Nhà sưu tập Nguyễn Trường với hai chiếc lư trong bộ sưu tập của mình.
Người ta gọi ông là ông Trường đầu bạc vì mái tóc nhà giáo già tuổi ngoài tám mươi đã như cước trắng, nhưng ẩn trong chữ “đầu bạc” ấy là sự nể phục một “tay chơi” sành sỏi của làng cổ vật. Cả đời gắn với nghề giáo, ông là giảng viên Sinh học của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng niềm say mê cổ vật ngấm vào ông từ trẻ qua nếp văn hóa của gia đình và thú sưu tập của người bố từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – họa sĩ Nguyễn Dung. Các bạn của bố là họa sĩ Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… nhiều lần qua nhà chơi, nên Nguyễn Trường được nghe nhiều câu chuyện văn hóa, hội họa, mỹ thuật dân tộc. Được nghe, được trò chuyện, càng thích và nhớ lâu, lại khiến ông muốn tìm hiểu. Hiểu rồi lại muốn tìm kiếm, lưu giữ tác phẩm của các danh họa và những vật phẩm được chế tác tinh xảo từ những nghệ nhân xưa. Những người thợ tài hoa ấy đã đi vào thiên cổ từ lâu lắm ấy, không để lại cái tên cho hậu thế. Nhưng vẻ đẹp của những lư, những bình, những âu, liễn hay con nghê, con phượng qua các triều đại được bàn tay họ tạo tác nên, vẫn khiến chúng ta hôm nay phải khâm phục và biết ơn, đấy là những điều tâm đắc mà nhà sưu tập Nguyễn Trường vẫn nói một cách đầy xúc cảm khi đối diện một cổ vật.
Chỉ một chiếc lư hương trong bộ sưu tập của mình, ông giáo già say sưa: “Chiếc lư này có màu men nâu đặc trưng. Nhìn vào đã thấy gần gũi, thấy như phảng phất màu áo người nông dân, màu bùn đất của một nước nông nghiệp nhiều đời”. Rồi lư gốm tạo tác tinh xảo, nhiều lớp hoa văn hạc – rùa, rồng – mây, hổ phù… thường bày trong nhà quyền quý; lư sành chắc khỏe, gân guốc, mang dấu ấn của đời sống miền sông nước; lư gạch nung to khỏe, hội đủ bộ tứ linh uy nghi… chiếc lư nào cũng có chuyện để nói. Ông coi chiếc lư là biểu tượng thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình khi người ta đặt nó lên ban thờ, thành kính thắp hương gửi gắm những ước nguyện hướng về tương lai. Bởi thế ông dành nhiều công, nhiều năm để tập hợp về bộ lư hàng chục chiếc, thuộc nhiều đời, nhiều chất liệu với những nét riêng độc đáo. “Không gian cổ vật” của ông còn mở ra với những bức ký họa, sơn dầu, tranh lụa, bột màu được sáng tác trong nhiều thời kỳ… của một số họa sĩ trường mỹ thuật Đông Dương. Thế nhưng, ông bảo: “Người Hà Nội mình không khoe khoang. Không phải lúc nào tôi cũng phô ra đâu, mà phải có mục đích rõ ràng, ví dụ như để cho người ta hiểu biết về vốn quý của dân tộc mình”.
Mục đích văn hóa ấy, như chia sẻ của ông giáo già là nên giới thiệu cổ vật cho nhiều người được thưởng thức, chứ đừng chỉ giữ cho riêng mình hay gia đình, bạn bè mình ngắm. CLB những người yêu cổ ngoạn Hà Nội mà ông là chủ nhiệm, đã hơn 5 năm qua là một tập hợp nhỏ những người bạn lâu năm, giao lưu và trao đổi chuyên môn với nhau, với các CLB cổ vật khác, không cầu kỳ về tổ chức. Mỗi năm, CLB chỉ tổ chức trưng bày một lần ở nhà triển lãm phố Đinh Tiên Hoàng giới thiệu các cổ vật mới mà các thành viên sưu tầm được. Ai nấy đều vui dù làm trưng bày như thế phải tự bỏ chi phí từ mặt bằng đến vận chuyển, bảo vệ suốt đêm ngày…
Cuối năm, các hội, CLB, nhóm sưu tập cổ vật hay mời ông đến dự tổng kết, giao lưu. Ở đâu cũng thế, ông hỏi han và chậm rãi nói về những câu chuyện văn hóa, dễ nghe, dễ gần. Ông không nói miệng rằng nhà sưu tập phải hòa mình vào với xã hội, mà cách ông chơi cổ vật, cách ông gìn giữ, tôn vinh và chia sẻ với mọi người đã nói hết về điều đó.