Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó chấp nhận thông điệp "ly hôn nếu không sinh được con trai" trên sóng VTV

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận xã hội, đặc biệt các bạn trẻ, đang bức xúc lên tiếng trước quan điểm của Công Hoàng (30 tuổi, người tham gia một chương trình game show hẹn hò phát trên sóng VTV) khi chàng trai người Huế này nói sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai. Các chuyên gia cho rằng thông điệp ấy xuất hiện trên sóng truyền hình là điều khó chấp nhận.

Văn hoá Huế bị xúc phạm

Trong chương trình game show có tên “Hành lý tình yêu”, tập 4 phát sóng trên VTV3 lúc 20 giờ 30 ngày 29/11, có chàng trai tự giới thiệu tên là Công Hoàng (30 tuổi, đang làm kế toán tại TP Hồ Chí Minh) quê ở Thừa Thiên Huế. Trong chương trình, nhân vật đã đưa ra những quan điểm trong việc chọn vợ tương lai.
 Công Hoàng - Nhân vật tham gia gameshow ''Hành lý tình yêu''. Ảnh: Chụp màn hình.

Đáng chú ý, Công Hoàng không chỉ đưa ra thông điệp phải sinh con trai để nối dõi, mà còn cho biết ở gia đình anh, đàn ông ăn mâm trên còn phụ nữ ăn mâm dưới. Thức ăn của mâm trên và mâm dưới khác nhau. "Khi cúng xong thì những món ngon vật lạ mình đưa lên mâm trên. Còn mâm dưới gọi là phụ thôi, khi nào mâm trên ăn xong, còn thì đem xuống đưa cho mâm dưới" - Công Hoàng nói trong chương trình.

Quan điểm trên vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận xứ Huế, đặc biệt những người trẻ. Anh Nguyễn Đức Nam (TP Huế) chia sẻ: “Đây là một suy nghĩ cổ hủ của chàng trai ngây ngô, không đại diện cho văn hóa Huế. Nhưng sau tất cả là cách ứng xử của những người làm chương trình văn hóa lại thiếu hụt trầm trọng”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng có thể nhiều người hiện vẫn có tư tưởng mong sinh được con trai để nối dõi nhưng không đến mức nghiêm trọng như vậy.

“Nhiều gia đình Huế còn nói đùa rằng, có con trai chết thì sướng, có con gái sướng đến chết. Ngụ ý nói con trai sẽ thờ tự sau khi cha mẹ khuất núi, còn con gái sẽ chăm sóc cha mẹ nhiều hơn khi còn sống. Nói vui vậy để biết ở Huế hiện nay không còn chuyện trọng nam khinh nữ như thời phong kiến nữa” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.

Về chia sẻ, đàn ông ăn mâm trên, phụ nữ ăn mâm dưới, nhà nghiên văn hoá Nguyễn Xuân Hoa cho hay việc này chỉ xuất hiện trong những nhà quan lại, hoàng tộc xưa. Còn chuyện "mâm trên ăn thừa còn lại sẽ đưa xuống cho mâm dưới ăn", nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa Hoa khẳng định: "Văn hóa Huế, người Huế không có chuyện đó".

Cần loại bỏ chương trình

Trên mạng xã hội, nhiều khán giả đã thẳng thắn bình luận rằng, việc Công Hoàng bị chỉ trích còn có trách nhiệm của những người sản xuất chương trình. Anh Hoàng Tâm (29 tuổi, TP Huế) chia sẻ: “Cần xem lại Ban Tổ chức và những người làm chương trình và cả khách mời tham gia. Chương trình giải trí, ngoài việc đem lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả cần phải có tính giáo dục và định hướng, đừng vì câu like, câu view mà xúc phạm người Huế nói chung và con trai Huế nói riêng”.

Trước vấn đề dư luận liên quan đến chương trình, ngày 1/12, trên trang Facebook cá nhân của mình, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định đã đăng ý kiến về chương trình. Ông Phan Thiên Định viết: “Chàng trai 30 tuổi, nói những câu ngây ngô về phong tục, truyền thống Huế... Phần lớn người Huế xem clip này sẽ cảm thấy văn hóa Huế đang bị xúc phạm vì sự non nớt về văn hóa và thủ thuật cường điệu đã bị lạm dụng quá đáng”.
 Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định đã đăng ý kiến về chương trình ''Hành lý tình yêu''. Ảnh chụp màn hình.

Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định đưa ra nhận định: “Đây không phải là một chương trình truyền hình trực tiếp. Nếu giả sử có một chàng trai Huế tư duy ấu trĩ như trong chương trình thì ông đạo diễn và ekip kia, thay vì giãy đành đạch phản đối chàng trai, cần phải giãy để chương trình này đừng lên sóng”.

“Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra với thông điệp được nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Để dọn đường cho quốc dân gìn giữ và xây dựng một nền văn hóa tốt đẹp, văn minh cần phải loại bỏ khỏi xã hội những chương trình nhân danh văn hóa để làm những điều vô văn hóa, cần lên án những kẻ nhân danh là người làm văn hóa để làm tiền văn hóa” – Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định viết.

Có thể khẳng định, chương trình giải trí nào cũng cần người xem, nhưng những người thực hiện cần nhớ rằng luôn có lằn ranh đỏ về đạo đức nghề nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội ở đó. Các chương trình hẹn hò cũng không phải ngoại lệ. Xuất phát từ những mục tiêu rất nhân văn để kết đôi cho các bạn trẻ, nhấn mạnh lại ý nghĩa về tình yêu, hôn nhân, hiện tại, càng ngày càng xuất hiện những chiêu trò phản cảm.

Đơn cử, tập 351 của chương trình truyền hình “Vợ chồng son” phát sóng năm 2019 từng đưa cặp đôi chênh nhau đến 20 tuổi là anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi) và chị Võ Thị Nhất (29 tuổi) vào tâm bão chỉ trích của dư luận khi họ chia sẻ về chuyện tình “bố nuôi – con gái”. Trước đó, Mon 2K từng bị “ném đá” dữ dội khi hôn một chàng trai ở gameshow hẹn hò, cô bị thóa mạ, xúc phạm rằng cố tình chơi chiêu để PR bản thân.

Trước việc dư luận "ném đá" người chơi vì phát ngôn gây sốc, các chuyên gia văn hoá nhấn mạnh cần thận trọng. Bởi, từ khâu tuyển chọn người chơi, biên tập, duyệt phát sóng đều là do đơn vị tổ chức sản xuất. Người chơi có thể có những quan điểm phản nhân văn nhưng để lọt hàng loạt khâu và thông điệp ấy xuất hiện trên sóng là điều khó chấp nhận và các cấp có thẩm quyền nên vào cuộc chấn chỉnh.