Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó có cơ hội giảm lãi suất cho vay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu cứ tiếp tục tình trạng này, xem ra cơ hội giảm lãi vay càng ngày càng ít, trong khi với DN, lãi vay hiện vẫn đang ngoài tầm với.

Khó có cơ hội giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1Những diễn biến trên thị trường trước Tết cho thấy nhu cầu vốn cuối năm của các DN tăng cao để mua sắm nguyên liệu, trả lương, thưởng…, nên lãi suất tăng là điều hợp lý. Tuy nhiên, sau Tết, xu hướng lãi suất tăng vẫn tiếp tục. Vì sao vậy, thưa ông?

- Thanh khoản của NH không còn được dư dật như trước đây. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2015 ước tăng khoảng 18%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của nhiều NH ở mức rất cao, nhiều NH có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động. Việc các NH điều chỉnh lãi suất huy động để thu hút vốn vào kênh NH là bình thường, bởi họ cũng cần vốn để đẩy mạnh cho vay. Khi một NH khởi phát tăng lãi suất, để giữ chân khách hàng thì buộc lòng các NH khác cũng phải tăng lãi suất theo.

Ngoài ra, vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công, áp lực huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục tăng cao đang tạo sức ép nhất định lên mặt bằng lãi suất. NH cũng đổ vốn vào TPCP do đây là kênh đầu tư gần như không có rủi ro, trong khi lãi suất cũng ở mức chấp nhận được. Thị trường chứng khoán cũng không thực hiện được chức năng huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, vốn huy động từ NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, lại phải phục vụ nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, dẫn đến lãi suất huy động chịu áp lực tăng.

Vậy còn thông tin sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40% có gây áp lực lên lãi suất?

- Tôi cho rằng, đây cũng là cách giải thích hợp lý. Các NH chạy trước đón đầu Thông tư 36 sửa đổi, cơ cấu lại nguồn vốn gia tăng các kỳ hạn dài để đáp ứng tỷ lệ theo quy định. Khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 thế nào cũng được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các NH nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.

Nhiều DN lo ngại lãi suất huy động tăng sẽ tác động tới lãi suất cho vay. Ông nghĩ sao, vì NHNN phấn đấu “có cơ hội” là giảm mặt bằng lãi suất (trung và dài hạn) trong năm 2016?

- Thông thường lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay đi lên. Việc này phụ thuộc vào mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Khi hoạt động của nền kinh tế tốt, mức chênh lệch này cao. Trong những năm 2012 - 2014, do kinh tế khó khăn, hoạt động NH khó khăn và đặc biệt nợ xấu cao nên mức chênh lệch này thấp. Nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải. Trong khi đó, các cơ sở pháp lý cho việc thanh lý tài sản đảm bảo, mua - bán nợ xấu lại chưa được hoàn thiện.

Về lạm phát, mặc dù lạm phát thấp nhưng chủ yếu do các yếu tố bên ngoài tác động như dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới giảm giá... trong khi năm nay tính giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá tiến tới thị trường sẽ tác động lên lạm phát nên dư địa giảm lãi suất rất khó. Về ngoại tệ, với việc NHNN áp dụng cách điều hành tỷ giá mới, động cơ găm giữ USD của người dân và DN đang có xu hướng yếu đi nhưng vẫn cần có thêm thời gian để phát huy tác dụng.

Lãi suất huy động và cho vay hiện nay đều đang ở mức cao và không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế. Tôi cho rằng, cơ hội giảm lãi suất là khó nhưng NHNN sẽ có biện pháp ổn định để ngăn chặn cuộc đua này, không để lãi suất cho vay tăng thêm. Thông điệp của NHNN là sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế... Không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ mua nhiều TPCP hơn để giảm áp lực lên lãi suất khi cần thiết.

Xin cảm ơn ông!