Kinhtedothi - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng rất khó định giá hãng hàng không quốc gia này theo các quy định hiện hành.
Thông tin về cổ phần hóa, định giá hãng hàng không quốc gia được ông Minh đề cập đến tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN (khối doanh nghiệp Trung ương) đến năm 2015, vừa diễn ra tại Hà Nội.
"Việc định giá một hãng hàng không chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên có nhiều đặc thù mà áp dụng theo các quy định của Nhà nước là không thực hiện được," Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết.
Ảnh minh họa.
Ở các cuộc họp lớn có nội dung về tái cơ cấu DNNN, các lãnh đạo của Vietnam Airlines đã nhiều lần lên tiếng về việc định giá hãng hàng không này, trước yêu cầu của Thủ tướng là phải hoàn tất việc cổ phần hóa trong năm 2014, nếu không sẽ điều chuyển công tác của các lãnh đạo tại đây.
Vietnam Airlines đã hoàn tất việc thuê tư vấn nước ngoài xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản và phương pháp khác từ cách đây một năm, và cuối tháng 2 vừa qua đã báo cáo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp lên Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Minh không cho biết cụ thể các khó khăn mà Vietnam Airlines gặp phải trong quá trình định giá mà không thể áp dụng các quy định hiện hành là gì. Song thực tế đây là lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia được cổ phần hóa nên chưa có tiền lệ xác định giá trị doanh nghiệp ở một ngành nghề kinh doanh có tính đặc thù như vận tải hàng không là điều dễ hiểu.
Vietnam Airlines đã kiến nghị chốt phương án công bố giá trị của công ty mẹ theo giá trị sổ sách kế toán và theo giá trị định giá lại. Cụ thể, giá trị sổ sách kế toán sau xử lý tài chính tại thời điểm 31/3/2013 vào khoảng 2,744 tỉ USD, trong đó có 507 triệu USD là giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Còn theo kết quả định giá, Vietnam Airlines sẽ có giá trị tương đương khoảng 2,739 tỉ USD trong đó riêng phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khoảng 1,128 tỉ USD.
Một trong số những tài sản lớn nhất của hãng này là giá trị đội tàu bay đang sở hữu và thuê tài chính. Theo định giá của một công ty tư vấn trong nước được Vietnam Airlines thuê, khối tài sản này có giá trị khoảng 53 ngàn tỉ đồng (nếu tính nguyên giá) và 37.600 tỉ (nếu tính giá trị còn lại) tại thời điểm 31/3/2013.
Ông Minh nói đến nay hãng đã hoàn thành công tác kiểm kê, đối chiếu công nợ và xử lý các tồn tại về tài chính. "Báo cáo tài chính của chúng tôi đến nay không còn khoản nào treo, gác, loại trừ dù là nhỏ nhất," ông nói.
Kiểm toán nhà nước đã có văn bản thông báo thẩm định kết quả tư vấn định giá và xử lý tài chính của Vietnam Airlines, trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Bởi nếu không, các cổ đông chiến lược mà Vietnam Airlines đang tìm kiếm sẽ khó có cơ sở để tiến đến việc mua hay không mua cổ phần của hãng.
Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh cho rằng, hãng hàng không quốc gia luôn đứng trước áp lực lớn là cạnh tranh mang tính toàn cầu. Bất cứ một thay đổi, biến động gì trên thế giới đều có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của hãng vì mạng lưới bay của Vietnam Airlines rộng khắp trên toàn cầu.
"Malaysia Airlines ba năm qua lỗ cộng dồn gần 1 tỉ USD. Một hãng lớn khác cũng lỗ 350 triệu USD. Nhưng nếu Vietnam Airlines mà lỗ 10 tỉ đồng thì các cơ quan quản lý sẽ không để chúng tôi yên", ông nói với hội nghị.