Kho dữ liệu, thông tin về quy hoạch: Ngăn sốt đất ảo, thao túng thị trường

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang tập trung lập nhiều đồ án quy hoạch nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các đồ án quan trọng như Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Nhiều ý kiến cho rằng, để những bản quy hoạch được thực hiện mang tính thực tiễn cao, phát huy đồng bộ nguồn lực, đồng thời đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin rất lớn của người dân, DN, cần phải cấp thiết xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về quy hoạch.

Thông tin quy hoạch còn hạn chế

Thực tế cho thấy, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nắm bắt thông tin quy hoạch nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên, việc đưa thông tin quy hoạch đến với người dân, DN thời gian qua còn nhiều bất cập, khó khăn do rất nhiều quy hoạch chưa được số hóa để đưa lên môi trường mạng.

Cần cấp thiết xây dựng kho dữ liệu dùng chung về Quy hoạch Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Cần cấp thiết xây dựng kho dữ liệu dùng chung về Quy hoạch Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Theo Bộ Xây dựng, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật sửa đổi bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch 2018… đều đã quy định đầy đủ về nội dung, cách thức, trách nhiệm trong việc công bố công khai, cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Theo đó, UBND các cấp huyện, xã có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin khi có yêu cầu.

Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin về địa điểm xây dựng, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, cốt xây dựng và thông tin khác liên quan đến quy hoạch xây dựng khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu trong phạm vi đồ án quy hoạch xây dựng do mình quản lý. Nhưng để có được thông tin quy hoạch, người dân, DN phải mất nhiều thời gian khi phải thực hiện các thủ tục hành chính.

Tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 5/2022, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đã nêu ý kiến, việc thực hiện công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

“Việc công bố công khai thông tin quy hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục. Công khai thông tin quy hoạch trên cổng thông tin của các tỉnh, thành, quận, huyện… còn rất hình thức và không thực sự hỗ trợ người dân” - đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thời đại công nghệ 4.0, các lớp quy hoạch, thông tin quy hoạch cần được tổng hợp và đưa lên môi trường mạng. Điều này không chỉ phục vụ công tác chuyên môn, quản lý mà còn tư vấn cho người dân như một dịch vụ công.

Khẩn trương xây dựng kho dữ liệu dùng chung

Tại Hà Nội, các sở, ngành của TP dựa trên lĩnh vực quản lý đã xây dựng cơ sở dữ liệu riêng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự đồng nhất về chuẩn dữ liệu dùng chung. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc phải có một cơ quan đứng ra chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, tích hợp thống nhất về quy hoạch giữa các ngành là vô cùng cần thiết, nhất là khi Hà Nội chuẩn bị lập quy hoạch tích hợp, đa ngành theo Luật Quy hoạch và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Người dân xem quy hoạch chung TP Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng.
Người dân xem quy hoạch chung TP Hà Nội. Ảnh: Việt Dũng.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng, Hà Nội đang thực hiện lập quy hoạch Thủ đô theo phương pháp tích hợp đa ngành, nhiều lĩnh vực như xây dựng, giao thông, cấp thoát nước, công thương, môi trường… sẽ được tích hợp vào một bản quy hoạch. Do đó, việc xây dựng một kho dữ liệu tổng thể, dùng chung cho các ngành là việc rất cấp thiết hiện nay.

“Khi có hệ thống cơ sở dữ liệu về GIS số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng được hình thành đầy đủ sẽ tham mưu tốt hơn cho người làm quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch. Bên cạnh đó, cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý trong trong quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, là cơ sở để theo dõi, đánh giá quá trình đô thị hóa và cung cấp dịch vụ công, nâng cao hiểu biết về quy hoạch cho người dân” - ông Lưu Quang Huy nhấn mạnh.

Trước yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, tại Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 14/6/2022 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP Hà Nội năm 2022, UBND TP đã giao Sở QH - KT chủ trì thực hiện xây dựng dữ liệu về thông tin quy hoạch.

Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Cơ sở dữ liệu và Thông tin quy hoạch (Sở QH – KT) Trịnh Quang Dũng cho biết, đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng bộ dữ liệu về quy hoạch xây dựng, đô thị. Trong đó, gồm những thông tin: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch chung các huyện, thị xã; quy hoạch chung thị trấn, thị trấn sinh thái; quy hoạch chung đô thị vệ tinh); Quy hoạch phân khu; Quy hoạch chi tiết.

Các dữ liệu này sẽ được lưu trữ ở dạng GIS hóa thông qua phần mềm GIS Server (phần mềm phục vụ triển khai, quản lý và cung cấp các dịch vụ bản đồ về quy hoạch xây dựng theo chuẩn thông tin địa lý cho các ứng dụng và hệ thống khác sử dụng).

“Phần mềm hệ thống thông tin quy hoạch bao gồm các bộ ứng dụng nghiệp vụ phục vụ quản lý Nhà nước và bộ ứng dụng phục vụ công khai thông tin quy hoạch xây dựng cho người dân, DN, nhà đầu tư. Ngay sau khi được UBND TP giao vốn theo kế hoạch, Sở QH - KT sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng phần mềm và GIS hóa dữ liệu quy hoạch theo đúng chuẩn hóa do Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng quy định” – ông Trịnh Quang Dũng thông tin.

Bên cạnh đó, để xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ nhu cầu của TP trong công tác quản lý, UBND TP cũng đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì xây dựng và thực hiện triển khai “Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”.

Theo đề án, sẽ xây dựng khung cơ sở dữ liệu hợp nhất cập nhật các thông tin chủ yếu như quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp nước, thoát nước...; hạ tầng kinh tế - xã hội; giáo dục, y tế, du lịch, cây xanh, mặt nước, nghĩa trang, rác thải... và các dữ liệu khác về phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực. Khung cơ sở dữ liệu này là nền tảng ban đầu, sau đó các sở, ngành, cơ quan có liên quan sẽ cập nhật bổ sung định kỳ theo chức năng, nhiệm vụ.

Ngoài ra, sẽ xây dựng bộ dữ liệu về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị (bao gồm các dữ liệu về quy hoạch, kiến trúc, đất đai, dự án đầu tư xây dựng, giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng xã hội, du lịch, di tích, đê điều, lâm nghiệp, dân cư, lao động...).

Xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng cập nhật, tìm kiếm, khai thác dữ liệu theo phân quyền; chia sẻ dữ liệu cho hệ thống cơ sở dữ liệu khác; phân tích dữ liệu hỗ trợ cho công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc – xây dựng – phát triển đô thị trên địa bàn TP.

 

"Hệ thống thông tin quy hoạch sau khi hoàn thành sẽ được chia sẻ cho UBND các cấp, sở, ngành... theo quy chế phân quyền khai thác thông tin; xây dựng dịch vụ hành chính công cung cấp thông tin quy hoạch cho các cơ quan, tổ chức, người dân có nhu cầu." - Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Cơ sở dữ liệu và Thông tin quy hoạch Trịnh Quang Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần