Khó từ nhiều phíaTổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, năm 2018, toàn quốc còn 667 vụ việc đấu giá thành tương ứng với số tiền trên 1.424 tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá. Một số địa phương còn nhiều vụ việc loại này như Hà Nội (165 việc tương ứng với trên 310 tỷ đồng), TP Hồ Chí Minh (55 việc - 529 tỷ đồng), An Giang (33 việc - trên 24 tỷ đồng), Bình Dương (33 việc - trên 13 tỷ đồng), Cần Thơ (24 việc - trên 24 tỷ đồng).Kết quả giao tài sản nói trên tăng vượt bậc so với năm 2017 (về giá trị tăng hơn 5.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong số các vụ việc chưa giao được tài sản có nhiều vụ việc giá trị lớn, do chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu nại gay gắt, quyền lợi của người trúng đấu giá bị ảnh hưởng gây những tác động tiêu cực đến công tác THADS nói chung.Về nguyên nhân, nhiều vụ đương sự chống đối quyết liệt nhằm cản trở việc giao tài sản; tài sản bán đấu giá nằm trong khu vực được vây bọc bởi tài sản của anh em, bà con của người phải thi hành án. Sự phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; một số vụ việc chính quyền địa phương không ủng hộ việc giao tài sản... Nhiều vụ việc do còn tồn tại các quan điểm khác nhau về cách hiểu, cách áp dụng pháp luật nên chưa có sự đồng thuận, nhất trí giữa các ngành liên quan dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế bị gián đoạn, kéo dài, tồn đọng.Một số vụ việc chưa giao được vì người mua không nhận tài sản do quá thời hạn, tài sản đã bán không đúng thực tế, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, người mua chưa nộp đủ tiền mua tài sản… Trong khi đó, đương sự luôn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc thi hành án cũng như quá trình giao tài sản cho người trúng đấu giá. Cùng đó là những lý do chủ quan từ phía chấp hành viên (CHV) và cơ quan THADS. Nhiều vụ CHV được giao tổ chức thi hành vụ việc chưa thực sự quyết liệt...Nâng cao trách nhiệmNhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa đổi các quy định của pháp luật về THADS, đấu giá tài sản và có những quy định riêng về trình tự, thủ tục cho việc bán đấu giá tài sản trong THADS. Không nên quy định chung thủ tục bán đấu giá cưỡng bức như trong THADS với việc bán đấu giá tài sản tự nguyện như tài sản thông thường khác, bởi tài sản trong THADS có những đặc trưng riêng biệt, dễ phát sinh nhiều vấn đề nhạy cảm. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực này để người dân hiểu, chấp hành và yên tâm khi mua tài sản thông qua trình tự bán đấu giá.Để khắc phục các nguyên nhân chủ quan, Tổng cục THADS tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động bán đấu giá và giao tài sản bán đấu giá tại các tỉnh, TP để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý và phòng ngừa vi phạm của CHV, công chức thi hành án. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, trình độ của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Thực tiễn cho thấy, đối với những vụ việc CHV thực hiện tốt trình tự, thủ tục ngay từ đầu thì sẽ tác động tích cực đến việc giao tài sản khi bán đấu giá và ngược lại, nếu CHV sai phạm hay có thiếu sót sẽ dẫn đến khiếu nại, thậm chí chống đối quyết liệt từ đương sự.Hiện nay, ở các địa phương, các Ban chỉ đạo THADS đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò của mình. Do vậy, cơ quan THADS cần tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với các vụ việc phức tạp, có giá trị lớn.