Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó hay không muốn?

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, thông tin về những sai phạm trong quản lý tài sản công của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình lại tiếp tục làm dậy sóng dư luận.

Câu chuyện buông lỏng quản lý, nhất là đất công, làm thất thoát tài sản Nhà nước thực ra không mới nhưng… chưa bao giờ hết “nóng”.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, trong nhiều năm liền Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình không chỉ cho thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính; không tiến hành đấu giá và công khai mức giá mà còn có dấu hiệu làm sai nguyên tắc trong sử dụng tài chính công, tài sản công.

 Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: Cafe F.
Một số DN đã ký hợp đồng thuê đất của Khu liên hợp, sau đó chỉ đưa vào sử dụng một phần diện tích, phần còn lại, DN lại tiếp tục cho đơn vị khác thuê.
Điều đáng nói, Khu liên hợp đã cho thuê đất với giá rất rẻ, thậm chí rẻ hơn đến cả chục lần so với giá thị trường. Trong khi hiện trạng sử dụng đất và số tiền thuê đất tạm tính tại Khu liên hợp, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2017, tổng diện tích đất được quy hoạch tại Khu liên hợp khoảng 170,55 ha. Khu liên hợp được giao trực tiếp và quản lý đất đã đền bù giải phóng mặt bằng, đã đầu tư xây dựng công trình với diện tích khoảng 67,374 ha; đất đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang chờ thực hiện dự án theo quyết định có diện tích khoảng 22,57 ha. Chưa có con số cuối cùng về diện tích mà Khu liên hợp đã cho thuê nhưng con số thất thoát từ giá trị với giá trên hợp đồng thì người không thạo tính cũng có thể nhẩm được là không nhỏ. Số tiền chênh ấy đã vào túi ai vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Không ít ý kiến cho rằng, thất thoát lớn nhất hiện nay là xuất phát từ việc tính giá đất khi cho thuê, giao đất hoặc bán đất với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Do vậy, cần lựa chọn một phương pháp chuẩn mực để xác định giá khởi điểm. Không nên áp dụng định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và phương pháp thu nhập, vì hai phương pháp này dễ dẫn đến kết quả định giá thiếu đảm bảo độ tin cậy hoặc bị lợi dụng.
Có ý kiến lại nhìn nhận nguyên nhân để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản. Những người thực quyền phải chăng có quá nhiều sân, si nên đã “xé rào” - tìm cách lách luật hoặc là cố tình không tuân thủ quy định của pháp luật để trục lợi? Khu liên hợp chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho cái sự ấy. Đáng buồn là sự vụ này “dậy sóng” ngay những ngày đầu Xuân năm mới - khi mọi người đều đang nô nức đi lễ chùa cầu bình an tới.
Công khai, minh bạch trong quản lý tài sản công rõ ràng không khó nhưng sao thực tế lại khó đến thế?