Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp thủy sản cầm cự cách nào?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu vốn, sụt giảm đơn hàng, giá bán sản phẩm rẻ, cạnh tranh gắt gao… là những khó khăn, thách thức mà các DN thủy sản Việt Nam phải đối mặt. Đây cũng là lý do ngành thủy sản Việt Nam chỉ đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2023.

Chồng chất khó khăn

Nhiều DN thủy sản cho biết, tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa

Đáng nói, DN còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador, Ấn Độ. Hệ quả là lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics của phần lớn DN trong ngành vẫn còn hạn chế.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, giá thức ăn thủy sản là một trong những lý do khiến giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao.

Đơn cử, trong khi Ecuador ở ngay vùng nguyên liệu, còn Việt Nam phải nhập khẩu và phải chịu thuế (2% đối với khô đậu nành). Trước đó, VASEP đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu nành xuống 0%, nếu kiến nghị này được chấp thuận sẽ hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước.

Đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ chia sẻ: “Thị trường bắt đầu đi xuống từ tháng 10 năm ngoái, đầu năm nay, một số DN phải ngưng hoạt động. Mới đây, công ty vừa ký được một số đơn hàng nhưng giá giảm khá nhiều so với trước. Khách mới đi xem thì nhiều, còn ký hợp đồng rất ít. Còn khách cũ thì lượng hàng ký cũng giảm nhiều so với trước. Chúng tôi chỉ mong ký được hợp đồng với mức giá hòa vốn để duy trì hoạt động và trả lương cho công nhân”.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh Phạm Hùng 
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh Phạm Hùng 

Ngay cả DN thủy sản lớn như Công ty CP thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) cũng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Chủ tịch HĐQT Công ty Hồ Quốc Lực cho hay, tình hình thị trường vẫn ảm đảm và chưa có tín hiệu nào tích cực. Các DN đang phải cố gắng cầm cự, chờ cơ hội mới từ thị trường trong vài tháng nữa.

Đáng lo ngại, suy thoái kinh tế khiến USD mất giá và giá cả hàng hóa của Việt Nam cũng trở nên đắt đỏ hơn, nên các nhà nhập khẩu dùng chiêu ép giá. Để bán được sản phẩm, DN không còn cách nào khác phải giảm giá.

Mặt khác, các DN cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador. Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam hiện khoảng 170.000 đồng/kg (loại 40 con/kg), trong khi của 2 nước này chỉ khoảng 110.000 đồng/kg. Trước những khó khăn về thị trường, DN cũng gặp khó khăn về vốn vay và lãi suất cao nên không dám mạo hiểm nhập hàng dự trữ. Điều này sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến giá tôm cá nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Chủ động nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi

Nhận định về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế phân tích: Trong quý IV/2022 và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU.

Nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Thắm
Nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Hồng Thắm

Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi bán qua những nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ. Các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân, Cục đã nhận được phản ánh về tình trạng thiếu đơn hàng của các DN. Tuy nhiên, khó khăn có thể chỉ trong nhất thời. Hiện nay, nhiều DN cũng chuẩn bị nắm bắt các cơ hội khi thị trường phục hồi.

 

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng 8,74 triệu tấn. Trong đó khai thác, đánh bắt khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn.

Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 phấn đấu đạt 10 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với năm 2022.

Khâu nuôi trồng thủy sản vẫn đang ổn định, chưa phải mùa thu hoạch nên khâu tiêu thụ chưa phát sinh vấn đề gì khó khăn. Đối với thủy sản, thời gian nuôi đến thu hoạch kéo dài, Bộ NN&PTNT không khuyến cáo nông dân giảm hay giãn đàn vào thời điểm này mà chỉ khuyến cáo chung là khi sản xuất phải liên kết chặt chẽ với DN và bên thu mua để bảo đảm đầu ra.

Trước những khó khăn, thách thức phải đối diện, năm 2023, ngành thủy sản đặt  mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD (thấp hơn 1 tỷ USD so với năm 2022).

Nêu lên lý do của con số mục tiêu này, các chuyên gia trong ngành nhận định, yếu tố chi phối nhất đến xuất khẩu chính là thị trường. Do đó, sự bất ổn của thị trường nhập khẩu sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2023 không đạt được mức kỷ lục như năm 2022.

Một số tín hiệu lạc quan từ một số thị trường phải kể đến như: Trung Quốc thực hiện khi nước này chính thức bỏ kiểm soát, kiểm dịch đối với người và hàng hóa nhập cảnh; ASEAN đang chứng tỏ là thị trường tiềm năng cho thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Hai thị trường là kỳ vọng tăng trưởng cho ngành thủy sản trong năm 2023.

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để vượt khó khăn, rào cản, quan trọng là DN thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động hơn trong tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là thuế xuất nhập khẩu.

 

Để tận dụng được những lợi thế từ các FTA, trước hết các DN thủy sản cần nắm rõ, áp dụng linh hoạt, trung thực các quy tắc xuất xứ của các FTA; tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, cũng như tại các nước đối tác trong FTA.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe