Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khăn bủa vây Tổng thống Hàn Quốc

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin cơ quan công tố Hàn Quốc có thể sẽ thẩm vấn Tổng thống Park Geun-hye vào tuần sau về vụ bê bối của bà Choi Soon-sil (còn gọi là Choigate) một lần nữa giáng mạnh vào nỗ lực giải quyết khủng hoảng của Nhà Xanh.

Nếu bà Park bị thẩm vấn, đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng thống tại vị của Hàn Quốc bị cơ quan công tố thẩm vấn trong một vụ án hình sự. 

 Tổng thống Park Geun-hye lên tiếng xin lỗi người dân Hàn Quốc vì bê bối của bà Choi Soon-sil.

Bên cạnh việc mất hàng loạt trợ lý thân cận do bị bắt hoặc buộc phải từ chức, số phận chính trị của nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc đang bị đe dọa bởi các tập đoàn hàng đầu – chỗ dựa vững chắc cho bà Park như lãnh đạo Samsung, Lotte, Hyundai, POSCO lần lượt bị điều tra vì dính tới bê bối Choigate. Trước sức ép từ các đảng đối lập, bà Park đã phải chấp nhận đối thoại với lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Choo Mi-ae trong ngày hôm nay (15/11). Tuy nhiên, cuộc đối thoại này khó đạt được thỏa thuận để tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. 

Ngoài áp lực từ các chính trị gia đối lập, các cuộc biểu tình quy mô lớn và diễn ra liên tiếp tại nhiều địa phương đang gia tăng sức ép lên chính quyền của bà Park. Cuối tuần qua, hơn 1 triệu người dân đã đổ xuống đường tuần hành ở Thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Đây là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ tháng 6/1987. Hiện, tỷ lệ ủng hộ bà Park đã giảm xuống mức 5%, mức thấp kỷ lục đối với một Tổng thống được dân bầu.

Bê bối Choigate cũng tạo ra “lỗ hổng” trong vấn đề an ninh quốc gia cũng như ngoại giao. Đại diện các đảng đối lập ở Hàn Quốc hôm 14/11 đã cảnh báo sẽ loại bỏ Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo nếu Bộ này ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản nhằm đối phó các mối đe dọa quân sự đang gia tăng từ phía Triều Tiên. Theo các nhà bình luận, chính quyền Tổng thống Park Geun-hye đã mất vị thế để đàm phán với các siêu cường quốc trên thế giới về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đặc biệt, thông tin Tổng thống Hàn Quốc sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Peru phản ánh cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên lĩnh vực ngoại giao. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Hàn Quốc vắng mặt tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng kể từ năm 1993.

Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, các nhà quan sát cho rằng, cách duy nhất mà bà Park làm được trong tình hình hiện nay là nhận lỗi lần thứ 3. Song lời xin lỗi này phải khác 2 lần trước mới có thể thuyết phục được cử tri - những người đang triệt để quay lưng lại với bà.