Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khăn trong giám sát chất lượng thực phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để quản lý chất lượng ATTP đối với mặt hàng nông lâm thủy sản, việc lấy mẫu giám sát có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác này, địa phương và DN đang gặp không ít khó khăn.

Thiếu trang thiết bị

Quận Thanh Xuân là một trong những địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khá lớn (248 cơ sở), lại có chợ đầu mối Phùng Khoang nên công tác quản lý chất lượng ATTP được đặc biệt quan tâm. Bà Phạm Thị Lan Phương – Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân chia sẻ, hiện nay, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả đang gây nhức nhối cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm về ATTP gặp nhiều khó khăn do chưa có đầy đủ trang thiết bị, mẫu thử để xét nghiệm, phân tích. “Hiện tại mới chỉ có thiết bị thử nhanh chất tạo nạc Salbutamol trong thịt, hàn the trong đậu và tôm, còn lại vẫn phải kiểm tra bằng cảm quan, mắt thường nên không có cơ sở pháp lý để xử phạt” – bà Phương cho hay.
Phân tích mẫu tại phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Phân tích mẫu tại phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Khó khăn ở quận Thanh Xuân cũng là vấn đề bất cập đang tồn tại ở nhiều địa phương trên địa bàn TP. Đại diện một số địa phương phản ánh, hiện nay trên thị trường bán rất nhiều thiết bị kiểm tra nhanh (test) tồn dư hóa chất cấm trong thịt, rau, cá tuy nhiên bản thân địa phương không có đủ trình độ chuyên môn để lựa chọn sản phẩm nào có hiệu quả. Đặc biệt, với Vàng ô (Auramine) là một chất cấm mới được phát hiện rộng rãi trong thời gian qua, việc lấy mẫu giám sát, xét nghiệm thực sự đang còn là nhiệm vụ khó đối với hầu hết các địa phương.

Đánh giá trên bình diện chung toàn TP, thời gian qua, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp và việc lấy mẫu dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm nên công tác giám sát chất lượng ATTP chưa phát huy được hiệu quả. Không chỉ các địa phương, ngay cả phía DN cũng đang gặp khó khăn về vấn đề này. Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết, trăn trở hiện nay của các DN phân phối thực phẩm sạch là xác nhận thực phẩm an toàn. Theo đó, nếu DN tự bỏ tiền ra lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ thì chi phí sẽ rất lớn, kéo theo giá thành sản phẩm đội lên cao.

Sớm có tháo gỡ

ATTP đang là một trong những vấn đề nóng được quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, việc kiểm tra định kỳ duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản lại chưa được chú trọng, chưa đúng tần suất theo quy định. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, bất cập hiện nay là chưa có văn bản quy định cụ thể về quy trình, trình tự triển khai xác nhận sản phẩm an toàn được xác nhận tới các địa phương. Đây sẽ là vấn đề cần phải tập trung tháo gỡ sớm trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho công tác giám sát ATTP.

Trong Kế hoạch hành động Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2016 mới ban hành hồi cuối tháng 4, UBND TP Hà Nội cũng mạnh dạn đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó, đến cuối năm 2016, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè và tỷ lệ tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong thịt, thủy sản nuôi giảm 15% so với năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, cần sớm có hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị, DN trong công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý ATTP ở cấp cơ sở, nhất là tuyến xã, phường vì đa số hiện nay đều kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn.

Một thuận lợi đối với TP Hà Nội hiện nay là đã có Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội (thuộc Sở NN&PTNT) với hệ thống trang thiết bị được đầu tư khá bài bản. Hiện phòng kiểm nghiệm trung tâm đã được chỉ định phân tích hàng trăm chỉ tiêu liên quan tới lĩnh vực nông sản thực phẩm như  chất cấm, kim loại nặng, chất tồn dư bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản...  Bà Bùi Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm cho biết, để việc giám sát đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp cần xây dựng kế hoạch tổng thể về giám sát nông sản hàng năm với sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chuyên môn cũng như địa phương.