Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó khăn trong giữ gìn bản sắc nguyên thể văn hóa truyền thống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dân ca, dân nhạc, dân vũ là một loại hình văn hóa dân gian được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của nhân dân. Việc giữ gìn bản sắc nguyên thể là hết sức cần thiết để bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong quá trình phát triển và hội nhập, một số làn điệu dân ca bị biến dạng do chuyên nghiệp hóa và sân khấu hóa, mất đi bản sắc của dân ca nguyên thể.  Do vậy, tìm kiếm và giữ gìn những nét đẹp của dân ca Việt Nam là vấn đề cần thiết và cấp bách hiện nay.

Tại buổi tọa đàm Bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân ca Việt Nam vừa mới được tổ chức ở Huế. GS, TS Khoa học Tô Ngọc Thanh, người đã gắn bó cùng các thế hệ lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam từ những ngày đầu tổ chức các kỳ Liên hoan dân ca cho rằng: Dù có hiện đại hóa, sân khấu hóa như thế nào cũng không để đánh mất đi tính nguyên thể trong dân ca Việt Nam, bởi đó là cái hồn của dân tộc.

Khó khăn trong giữ gìn bản sắc nguyên thể văn hóa truyền thống - Ảnh 1

Sau 5 lần tổ chức Liên hoan dân ca Việt Nam, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả. Thành công của các chương trình lấy chất liệu từ dân ca Việt Nam đã khẳng định những giá trị mà dân ca đem lại trong đời sống người dân Việt Nam, góp phần “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Cũng theo nhiều đoàn nghệ thuật từ các tỉnh, hiện nay cái khó nhất để giữ gìn, phát huy được những làn điệu của dân tộc vùng miền, cần phải giúp người dân, đặc biệt là lớp trẻ hiểu được những giá trị mà các làn điệu dân ca đem lại.

Chị Bùi Thị Thanh Huyền, Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Hiện tại, thế hệ trẻ không mấy mặn mà với việc tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống. Ngay cả những người dân cũng không ý thức được giá trị văn hóa trong các làn điệu dân ca. Do vậy, cần phải tuyên truyền những giá trị văn hóa truyền thống đó trong cộng đồng”.

Vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh là vùng đất rất phong phú và nổi tiếng với các làn điệu dân ca. Ví và Giặm là hai thể loại đặc trưng của dải đất miền Trung này. Hiện tại, Nghệ Tĩnh đang hoàn tất thủ tục để trình UNESCO công nhận Ví Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Vì vậy, những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương cũng đã có những định hướng và quan tâm đến vấn đề giữ gìn và phát huy những làn điệu dân ca.

Làm thế nào để tiếp tục tìm kiếm và bảo tồn, gìn giữ nét đẹp của bản sắc dân ca Việt Nam là vấn đề cần thiết và cấp bách được đặt ra hiện nay.

Trên thực tế, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ nền kinh tế mở cửa và hội nhập là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những gì thuộc về nguyên bản nhất, mộc mạc nhất cần phải được gìn giữ để một mặt vẫn tiếp thu được những nét tinh hoa văn hóa của nhân loại, một mặt giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc… làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú hơn.

Nếu những yếu tố về nguyên bản được bảo vệ và phát huy thì sự giao lưu, hội nhập sẽ không còn là điều khó khăn và mục tiêu “hòa nhập không hòa tan” của nền văn hóa cũng được thực hiện, tiếp xúc cái mới để giàu có hơn, phong phú hơn nhưng vẫn không mất đi cái gốc, cái hồn cốt của dân tộc.