Khó lắp trạm BTS ở Hà Nội: Lỗi tại ai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) tại Hà Nội hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Các nhà mạng đổ lỗi do chính quyền địa phương và người dân gây khó dễ, nhưng theo phản hồi từ phòng văn hóa các quận, huyện, thị xã thì vấn đề nằm ở chính các nhà mạng còn thụ động trong công tác phối hợp với chính quyền để xin cấp phép lắp đặt trạm.

Tại Hội nghị Họp bàn về công tác quản lý, xây dựng và phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông trên địa bàn Hà Nội do Sở TT&TT Hà Nội chủ trì ngày 16/9, ông Phan Giang Châu – Phó Giám đốc Viettel Hà Nội than thở, hồ sơ xin cấp phép lắp đặt trạm BTS gồm 15 loại giấy tờ liên quan, trong đó khó nhất là văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về vị trí lắp đặt trạm. “Thậm chí chỉ cần người dân địa phương có ý kiến đơn thư là ngay lập tức chính quyền yêu cầu chúng tôi dừng xây dựng dù DN đã có đủ giấy tờ chấp thuận” – ông Châu nói.
Khó lắp trạm BTS ở Hà Nội: Lỗi tại ai? - Ảnh 1
Quang cảnh hội nghị.
Phản hồi lại các ý kiến của DN, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin Quận Cầu Giấy cho rằng: “Không phủ nhận thực tế khi lắp đặt trạm BTS trong nội thành DN vướng phải nhiều ý kiến phản đối từ người dân song phía chính quyền địa phương đã hết sức tạo điều kiện hỗ trợ nhà mạng hoàn thành thủ tục, tuyên truyền với bà con để họ rõ trạm BTS không ảnh hưởng tới sức khỏe nhờ đó tình trạng khiếu kiện đã giảm đáng kể”. Sở dĩ đến nay vẫn còn khiếu kiện là bởi nhà mạng chưa tích cực giải quyết, có nhiều trạm đã đưa vào hoạt động rồi mới xin cấp phép để hợp thức hóa, như vậy không tránh khỏi ý kiến bất bình từ người dân.

Bà Phạm Thị Hương – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Quận Thanh Xuân cũng khẳng định, phía Sở TT&TT và các Phòng Văn hóa Thông tin luôn chủ trương tạo mọi điều kiện để nhà mạng phát triển trạm BTS, song vấn đề nằm ở chính các DN chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương. “Không rõ cán bộ cấp dưới có báo cáo đầy đủ tới lãnh đạo các DN hay không nhưng thực tế là chúng tôi hướng dẫn DN rất cụ thể, kỹ lưỡng, cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết để DN nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng trạm”.

Đại diện Phòng Văn Thông tin quận Thanh Xuân đề nghị các nhà mạng rà soát lại các trạm BTS để hoàn tất thủ tục giấy phép xây dựng theo như Quyết định 114/2009/QĐ-UBND ngày 13/11/2009 của UBND TP Hà Nội. Từ nay tới cuối năm 2015, nếu trạm BTS nào không có giấy phép sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ, di dời.

Từ góc độ quản lý, bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội nhìn nhận, việc DN còn thụ động trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tiến độ triển khai lắp đặt trạm BTS. Chẳng hạn như ở huyện Chương Mỹ, Phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết chưa từng gặp lãnh đạo nhà mạng nào đóng trên trên địa bàn ngoại trừ Viettel, nhiều lần Phòng Văn hóa gửi văn bản, công văn đến các đơn vị viễn thông để tổng hợp và rà soát các trạm BTS hiện có trên địa bàn nhưng đều không nhận được phản hồi.
Tính đến 31/5/2015, Hà Nội có 6.340 trạm BTS đang hoạt động (Viettel có 1.750 trạm; MobiFone: 1.600 trạm; Vinaphone: 1.900 trạm; SFone: 111 trạm; Vietnammobile: 450 trạm và Gmobile: 580 trạm). Trong đó có trên 1.200 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng (...). UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp phép mới và chấp thuận cho phép hoạt động của trên 900 trạm BTS (không kể quận Hai Bà Trưng, huyện  Thường Tín, Thanh Oai vì các đơn vị này không có báo cáo số liệu)
(Nguồn: Sở TT&TT Hà Nội)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần