Khó nâng tầm bộ môn đấu kiếm tại Việt Nam?

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đấu kiếm là môn thuộc nhóm Olympic, nhiều năm qua Đấu kiếm Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong khu vực cũng như châu lục. Tuy nhiên, bộ môn đang đứng trước thách thức lớn để giữ vững vị thế ở khu vực Đông Nam Á khi thiếu giải đấu trong nước, khó tìm nguồn VĐV trẻ.

Thiếu giải đấu, thiếu nguồn tài năng

Nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, Giải đấu kiếm vô địch quốc gia được tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi cũng như tăng tính cọ xát cho các vận động viên (VĐV). Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2023 mới tổ chức thành công tại Hà Nội với sự tham gia của 8 đơn vị với gần 130 kiếm thủ (nam, nữ). Tuy nhiên, ít ai biết đây là giải đấu duy nhất trong năm được tổ chức, đồng nghĩa với việc VĐV “ăn tập” trong một năm được thi đấu 1 giải. Nguyên do khiến đấu kiếm của năm 2023 chỉ có thể tổ chức một giải quốc nội duy nhất (tính đến lúc này) ngoài kinh phí hạn hẹp thì còn từ khâu ráp nối giữa bộ môn đấu kiếm của Cục TDTT với các địa phương có khả năng đăng cai tổ chức giải.

Đấu kiếm Việt Nam thiếu giải đấu để VĐV cọ xát. Ảnh: Ngọc Tú.
Đấu kiếm Việt Nam thiếu giải đấu để VĐV cọ xát. Ảnh: Ngọc Tú.

Việc thiếu giải đấu đang phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm kiếm nguồn VĐV cho đấu kiếm. Tìm kiếm VĐV cho thể là thao chưa bao giờ là dễ dàng, đối với bộ môn đấu kiếm càng khó hơn. Một thực tế, đấu kiếm Việt Nam chưa thể thoát khỏi cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác đào tạo trẻ nhiều năm qua.

Những năm qua, ngoài việc tìm kiếm các nguồn nhân lực từ các địa phương đi đầu trên cả nước về đấu kiếm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… nhiều tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La… cũng đã được các tuyển trạch viên của bộ môn tìm kiếm. Nhưng xác suất để lựa chọn được một tài năng là rất nhỏ. So với giải đấu cách đây 1 năm, con số 8 đơn vị với gần 130 kiếm thủ (nam, nữ) tham gia tranh tài ở Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2023 là không có sự biến chuyển. Với số lượng đơn vị và số VĐV còn quá ít, đồng nghĩa với việc tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia trong thời gian tới cũng bị hạn chế.

HLV Phạm Anh Tuấn từng chia sẻ với phóng viên,  bộ môn đã đi tìm kiếm các tài năng ở nhiều địa phương và điểm trường nhưng nguồn VĐV tiềm năng, đội ngũ kế cận cho các thế hệ đi trước là rất khó khăn.

“Chúng tôi thường xuyên gặp phải trở ngại từ phía gia đình vì đa phần không muốn con em theo nghiệp thể thao. Việc tuyển chọn đầu tiên chúng tôi phải làm các em yêu thích đấu kiếm. Khi đó sẽ có cơ sở để mời gia đình lên xem con em mình tập thế nào, và định hướng cho tương lai khi thi đấu cũng kết thúc sự nghiệp đỉnh cao. Cái khó của đấu kiếm là chưa phổ biến như nhiều môn khác dẫn đến rào cản cho HLV khi tiếp xúc với gia đình VĐV để họ đồng ý cho con theo ăn tập” – ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, câu chuyện về dinh dưỡng cho các VĐV cũng là vấn đề nan giải khi ở Việt Nam chưa thể đáp ứng đúng với tiêu chuẩn. Tuyển chọn đã khó nhưng để thuyết phục các VĐV trẻ quyết tâm gắn bó với sự nghiệp đấu kiếm còn khó hơn nhiều khi đấu kiếm là môn thể thao đòi hỏi nhiều yếu tố khắt về mặt thể lực, ngoại hình. Cùng với đó, kinh phí để đào tạo và duy trì trong thời gian dài cũng là vấn đề. Để đào tạo được một tay kiếm có thể thi đấu tốt ở Giải vô địch quốc gia cũng mất từ 6 - 8 năm. Trong khi đó, để duy trì 3 tuyến VĐV (năng khiếu, trẻ, đội tuyển) cho một nội dung đấu kiếm cần tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Chờ hướng đi mới

Hiện tại, đấu kiếm là một trong những môn có ít giải đấu nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia của thể thao Việt Nam. Điều này khiến người trong nghề không khỏi băn khoăn về việc đảm bảo lực lượng cũng chuyên môn cho các VĐV. Tại các giải đấu, đấu kiếm luôn đóng góp thành tích cho thể thao Việt Nam nhưng việc các VĐV “khát giải” đang là bất cập và nó ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích chung là điều nhìn thấy trước mắt. Nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Philippines…, các vận động viên có thể tham dự 1-3 giải đấu trong nước mỗi tháng ở mọi cấp độ giúp VĐV duy trì được tính thực chiến trong cả năm trước khi bước vào các giải đấu lớn.

Nhiều năm qua, đấu kiếm đã tính tới phương án thành lập Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam nhằm mục đích định hướng phát triển thêm mô hình tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ đó giúp thể thao đấu kiếm được ủng hộ và đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam chưa được thành lập dù Ban vận động đã được ra đời cũng như đã có những quy trình cụ thể về nhân sự. Lời giải cho bài toán thành lập được Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam vẫn chưa thể có câu trả lời cụ thể.

“Những người làm chuyên môn rất hy vọng Liên đoàn sẽ sớm được thành lập, điều này sẽ giúp bộ môn tạo sự kết nối với các liên đoàn đấu kiếm trên thế giới. Cùng với đó, Liên đoàn sẽ có hướng đi cụ thể, xây dựng nguồn lực để phát triển môn đấu kiếm tại Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề kêu gọi tài chính để tổ chức các giải đấu cũng như kinh phí đào tạo VĐV” - Trọng tài quốc tế môn đấu kiếm Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Để có thể phải triển hơn nữa về môn thể thao vốn đã “kén người” như đấu kiếm, sẽ cần những chiến lược cụ thể trong có việc ra đời của Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam. Đây là sự cần thiết cấp bách để mang đến những luồng gió mới, tạo tiền đề phát triển rộng rãi bộ môn cũng như kêu gọi sự xã hội hóa cao độ.