Khó như đòi tiền tác quyền

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009, NSND Thanh Hoa đề nghị: “Cục Bản quyền cũng nên phân cấp rõ cái nào là thu tiền, cái nào không”.

Có nên thế chấp tác phẩm?
Mới đây, truyền thông dấy lên câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, nhưng cuối đời lại sống trong cảnh nghèo khổ cô đơn. Không bàn đến chuyện gia đình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mà chỉ tính thu nhập từ tiền tác quyền âm nhạc, thì theo thông tin từ Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, mỗi tháng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nguồn thu cố định khoảng 5 triệu đồng cho gia tài hơn 100 ca khúc, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như “Mẹ yêu con”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ kẻ gỗ”… Nhiều người cho rằng, với khoản thu 5 triệu đồng/tháng thì không thấm vào đâu với kho tàng sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.

Quy định quyền tác giả chưa nghiêm nên nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

vẫn bị “xài chùa”.

Cũng chính vì lẽ đó, góp ý cho dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, ông Hoàng Trọng Quang - Chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép bày tỏ mong muốn có điều khoản thế chấp tác phẩm để có khoản bồi thường nhất định cho cuộc sống. “Nếu những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được thế chấp thì cuộc sống của ông ấy đã không đến nỗi” – ông Quang chia sẻ.
Đánh đồng các lĩnh vực sáng tạo
Chỉ nói riêng câu chuyện bản quyền âm nhạc thời gian gần đây cũng đã đủ ầm ĩ. Từ chuyện thu được và không thu được, đến việc đơn vị nào có đủ tư cách đại diện cho các tác giả âm nhạc Việt Nam: Bộ VHTT&DL hay chỉ cần Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc.
Hiện nay, cách thu bản quyền do Trung tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương quy định đang khiến nhiều DN không phục. Mặt khác, các nhạc sĩ có tác phẩm sáng tạo như nhạc sĩ Phú Quang cũng thấy bất bình mà dẫn đến "lời qua tiếng lại". Theo NSND Thanh Hoa, Nghị định quy định thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cần phải cụ thể hơn để người dân hiểu và trả tiền bản quyền. Bởi không thể duy trì mãi tình trạng đi đòi tiền bản quyền như đi đòi mớ rau ngoài chợ. “Nếu bây giờ tôi phải đi từng quán karaoke, từng đơn vị để đòi tiền bản quyền thì tôi thực sự rất xấu hổ. Cục Bản quyền cũng nên phân cấp rõ cái nào là thu tiền, cái nào không. Chẳng hạn, bài hát phát trên loa phường thì anh Phó Đức Phương không thể đòi tiền được. Đám ma họ hát nhiều hơn đám cưới thu thế nào đây?” – NSND Thanh Hoa nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị định quy định thi hành Luật Sở hữu trí tuệ đang đề cập đến tất cả sáng tạo của các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kinh tế, khoa học kỹ thuật… Nhưng quy định này chỉ phù hợp khi vấn đề thực thi sở hữu trí tuệ ở văn học nghệ thuật còn thấp, nếu như với giá trị công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 10% GDP ở Mỹ, còn Hàn Quốc là 20%... sẽ mang tính chung chung, đại khái. Ông Đặng Đình Long - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư vấn phát triển băn khoăn, dự thảo Nghị định nên cân nhắc hoặc gộp để bao quát tất cả các lĩnh vực hoặc chỉ tập trung vào lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nếu tập trung vào lĩnh vực văn học, nghệ thuật thì cần có những quy định chi tiết hơn.
Ghi nhận những góp ý, chưa hứa sẽ đề xuất phân định để Bộ VHT&DL, Bộ Tài chính… cùng chung tay giải quyết vấn đề tác quyền cho các tác giả, nhưng ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh sửa dự thảo Nghị định sao cho đảm bảo tốt hơn quyền lợi của các tác giả.
Những sáng tạo trí tuệ ở Việt Nam từ khoa học đến văn học nghệ thuật đều đang bị coi thường nhiều quá. Muốn người sáng tạo bớt nghèo, thì không thể vận hành mãi cơ chế đi đòi tác quyền từng quán karaoke, từng nhà hàng, từng DN… mà luật phải nghiêm 
            NSND Thanh Hoa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần