Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Khổ nhục kế" của vợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Đàn ông thích ăn cơm nhà". chị hàng xóm thường nói như vậy, mỗi khi tôi thấy chị nhất định chờ cơm chồng buổi tối.

KTĐT - "Đàn ông thích ăn cơm nhà". chị hàng xóm thường nói như vậy, mỗi khi tôi thấy chị nhất định chờ cơm chồng buổi tối.

Nghe có vẻ buồn cười, khó tin vì lâu nay các bà vợ vẫn kêu rằng, các ông thích ăn ngoài đường hơn ở nhà, thích ngồi với bạn nhậu hơn là với vợ con.
 
Từ bữa cơm ngon

Tôi nghĩ, đây là cách giữ chồng một cách thật cổ điển, dùng kiểu "khổ nhục kế" để ép chồng phải về sớm, nếu không cũng để chồng phải dằn vặt vì đã để vợ phải chờ đợi.
 
Trong khi đó, bản thân chị Ngọc Hà, hàng xóm của tôi ngoài công việc của một giáo viên tiểu học, cả ngày dạy ở trường, còn lo quản lý một cửa hàng cà phê của nhà chồng ra, tối đến vừa lo cơm nước gia đình, dạy dỗ con học hành... Biết được suy nghĩ của tôi, chị bảo, chẳng phải khổ nhục kế gì, chị biết anh rất vất vả.
 
Anh Thắng, chồng chị, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thường xuyên về muộn vì phải nhận đơn đặt hàng, tiếp khách, giải quyết các sự vụ phát sinh...

"Anh thường xuyên phải đi ăn cơm khách, cũng phần nhiều là vì công việc nên chị biết, anh rất thèm được ăn cơm cùng gia đình" -  chị tâm sự. Vì thế, để chồng không áy náy, chị thường nói với anh là chị ăn kiêng, buổi tối ăn rất ít nên lo cơm nước cho mẹ chồng và hai con nhỏ, chị chờ anh về ăn cho vui, tiện cả đôi đường. Mỗi khi anh về, câu đầu tiên chị thường nói là "mình có đói không? Nếu không đói lắm thì tắm rửa cho thoải mái rồi ăn cơm", rồi ngồi xuýt xoa, gắp thức ăn cho chồng.
 
Chị nói, nếu cứ để kệ anh về ăn cơm hay không cũng mặc, có lẽ, ngôi nhà của chị sẽ giống như một quán trọ với anh ấy. Cuối ngày chồng mới về đến nhà, mà không được hưởng chút hơi ấm của gia đình, có lẽ nhiều người đàn ông đã vì thế mà tìm đến bến bờ khác. Chính những lúc ngồi chờ cơm như thế này, với chị Hà, đó là lúc thấy mình thực sự là một người vợ, không để chồng "đi không ai biết, ở không ai hay". "Hạnh phúc với chị là được chờ cơm chồng. Nhìn chồng ăn dù chỉ một chút thôi, cũng thấy vui lắm, nhất là khi anh bảo, ăn ở đâu thì ăn, cơm vợ nấu vẫn là ngon nhất", chị nói.

Trong bối cảnh khủng hoảng nền kinh tế, những khó khăn lại càng chồng chất lên vai người phụ nữ.
 
Họ phải tính toán sao để mỗi bữa ăn vẫn đảm bảo được sức khỏe của mỗi người, làm sao để cố gắng không túng thiếu, không đè nặng mối lo kinh tế lên chồng.
 
Quan trọng nữa là họ còn phải lo làm sao để mỗi bữa cơm, người chồng, con cái và người thân của họ không chỉ ăn bằng vị giác mà bằng cả tình yêu thương trong đó.
 
Và dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, bản thân họ không chỉ phải gắng sức với đời, mà trong mỗi con người phụ nữ ấy cũng luôn là bến bờ yên bình nhất, đón chồng trở về sau những phong ba.
Hầu hết những người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc gia đình mình. Hình ảnh chờ chồng bữa cơm tối của chị Ngọc Hà sẽ khiến không ít người cho rằng việc gì phải khổ như vậy, trong khi người phụ nữ đã quá vất vả ở cơ quan với biết bao áp lực, rồi phải lo toan bữa ăn, giấc ngủ chuyện học hành của con cái. Chưa kể cha mẹ đôi bên ốm đau, việc họ hàng, hiếu hỷ... cũng phải gánh vác.

Sức lực người đàn bà cứ lắt lay chống chọi với thời gian và guồng quay cuộc sống, nếu không được người chồng sẻ chia, khác nào cây xương rồng trồng trên cát. Lúc nhan sắc tàn phai, liệu người chồng có còn yêu thương nữa?... Đó là những mối lo của hầu hết những người phụ nữ. Nhưng dù có vất vả, cuộc sống có nhiều áp lực, trong lòng có nhiều mối lo đi chăng nữa thì họ vẫn hết lòng hy sinh vì chồng, vì con.
 
Như hoàn cảnh của gia đình chị Ngô Thị Bích Hiệp ở khu, tập thể Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Con trai chị bị viêm màng não mủ, chồng chị bị ung thư xương. Gánh nặng dồn lên đôi vai chị, làm sao kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình và thuốc thang cho chồng con nhưng chị chưa một lời than vãn.
 
Những người hàng xóm cho biết, họ dường như chẳng thấy chị Hiệp ngủ. Ngày chị phải chăm lo cho chồng, cho con, đêm đêm phải vật lộn với hàng đống rác mà thiên hạ xả ra đường. Cũng may, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội nơi chị làm việc thông cảm, nên đã để cho chị làm hoàn toàn vào ca đêm từ 6 giờ tối đến 1 giờ sáng.

Rất nhiều người vợ, người mẹ như chị Ngọc Hà, chị Bích Hiệp luôn vì người thân yêu trong gia đình. Mỗi người một hoàn cảnh, dù người nghèo khó hay giàu sang, dù người nội trợ bình thường hay có học hàm, học vị, dù được chồng chia sẻ, ghi nhận hay thờ ơ họ đều thầm lặng gánh vác công việc gia đình, hi sinh hết lòng vì chồng, vì con.