Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó quản lý với giết mổ nhỏ lẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, việc quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn Hà Nội còn nhiều hạn chế, phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc.

Nghịch lý

Theo thống kê, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội năm 2015 khoảng 314.002 tấn (872,2 tấn/ngày). Trong đó, thịt trâu bò là 36.011 tấn, thịt lợn: 205.970 tấn, thịt gia cầm: 72.021 tấn. Như vậy, thịt lợn vẫn là nguồn thực phẩm cung cấp chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hà Nội. Trên địa bàn TP hiện nay có nhiều loại hình giết mổ gia súc, gia cầm như công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung, nhỏ lẻ. Trong đó có 6 cơ sở giết mổ (CSGM) công nghiệp, 17 CSGM bán công nghiệp và 4 CSGM tập trung thủ công. Các CSGM công nghiệp và bán công nghiệp hiện đang hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng giết mổ do đầu ra không ổn định, không có sự liên kết giữa chăn nuôi, giết mổ và chế biến. Bên cạnh đó, giá thành, chi phí giết mổ cao nên chưa thu hút được các hộ chăn nuôi vào giết mổ.
Giết mổ tại cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh, huyện Gia Lâm. 	Ảnh: Minh Thắng
Giết mổ tại cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh, huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Thắng
Trong khi đó, một nghịch lý là toàn TP vẫn tồn tại khoảng hơn 2.400 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, sản lượng giết mổ khoảng 396 tấn thịt/ngày (chiếm tỷ lệ 55,3%). Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau như giết mổ tại nhà, tại hộ chăn nuôi. Một số cơ sở không có địa điểm cố định, hoạt động theo mùa vụ. Các CSGM nhỏ lẻ thường không đáp ứng về điều kiện vệ sinh thú y, ATTP, đặc biệt nguồn nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống của các hộ xung quanh. Đi đôi với việc ô nhiễm môi trường, công tác quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Từ thực trạng trên, UBND TP phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020, số CSGM nhỏ lẻ giảm xuống còn dưới 30% so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu này cần có những giải pháp cụ thể. Trước hết là sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng các CSGM đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Đồng thời khuyến khích các CSGM công nghiệp, bán công nghiệp hoạt động có hiệu quả. Thực tế những năm qua, nhờ có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của TP đã giúp cho một số CSGM công nghiệp và bán công nghiệp hoạt động rất có hiệu quả. Đơn cử như CSGM Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) từ công suất giết mổ 1.500 con lợn/ngày đã nâng lên 1.700 con/ngày, lúc cao điểm lên tới 2.000 - 2.200 con/ngày. Hay như CSGM gia cầm Lan Vinh (huyện Gia Lâm) nâng sản lượng giết mổ từ 700 - 3.000 con/ngày; CSGM gia cầm Luyện Hà (huyện Gia Lâm) nâng sản lượng giết mổ từ 300 con lên tới 900 con/ngày. Các cơ sở này phát triển đã giúp cho các địa phương giảm tối đa giết mổ nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện tốt quy hoạch quỹ đất phục vụ hoạt động giết mổ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Hiện, TP đã có quyết định về quy hoạch giết mổ cho các địa phương, tuy nhiên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo để quyết định có tính khả thi cũng là một giải pháp hữu hiệu để giảm các cơ sở, điểm nhỏ lẻ. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình tập trung giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả. Sự hình thành các CSGM tập trung sẽ quy tụ các điểm giết mổ ở gần nhau trong một huyện hoặc một cụm xã vào một cơ sở để giảm bớt số lượng cơ sở phải kiểm soát giết mổ ở các địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm quy định. Công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một trong những biện pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Đồng thời, tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán cho người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm đã qua kiểm tra, giám sát. Có như vậy, bản thân người kinh doanh sản phẩm động vật sẽ nhập từ các CSGM tập trung để đảm bảo ATTP.