Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) trao đổi với báo chí sáng ngày 10/4.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Vũng Tàu?
- Nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Vũng Tàu là nguồn phóng xạ Coban 60 đã qua chu kỳ sử dụng 5 năm, hoạt độ phóng xạ đã giảm đi rất nhiều so với hoạt độ ban đầu. Do vậy, nếu để nguyên vẹn trong vỏ bọc thì gần như không gây nguy hiểm gì đối với con người.
Tuy nhiên, ta cần tiên lượng khả năng, nếu vì thiếu hiểu biết, người ta có thể phá hủy kết cấu bảo hộ của nó. Dù hoạt độ đã giảm nhưng nếu tiếp xúc trực tiếp và lâu dài thì vẫn bị ảnh hưởng. Do đó, nó vẫn là nguy cơ đối với cộng đồng và chúng ta vẫn phải truy tìm và thu hồi để đảm bảo an toàn.
Theo những thông tin gần đây thì nguồn phóng xạ tại Vũng Tàu có thể đã bị thất lạc từ 5 tháng trước trong tình trạng vỏ bọc đã bị móp méo, thưa ông?
- Theo thông tin chúng tôi có được thì sự cố tại nhà máy thép xảy ra vào tháng 9/2014, sau đó, do quản lý lỏng lẻo nên nguồn phóng xạ bị mất. Song, nguồn phóng xạ bị mất vào thời điểm nào thì chưa xác định được.
Theo kinh nghiệm trước đây, sau 1 vài ngày mất thì chúng tôi đã có thông tin. Do đó, nguồn phóng xạ chưa bị phá hủy và có thể thu hồi an toàn. Tuy nhiên, lần này rất khó cho các cơ quan quản lý vì không thể xác định thời điểm mất cũng như tình trạng của nguồn phóng xạ tại thời điểm mất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự cố tại nhà máy thép không làm ảnh hưởng lớn tới vỏ nguồn phóng xạ vì sau thời điểm ấy, nguồn phóng xạ vẫn an toàn, người trực tiếp quản lý nguồn phóng xạ vẫn tiếp xúc bình thường và không có triệu chứng gì nghiêm trọng.
Hiện tại, chúng ta có đầy đủ quy định quản lý nguồn phóng xạ thế nhưng đây không phải là lần đầu tiên nguồn phóng xạ nguy hiểm bị thất lạc. Nguyên nhân vì đâu, thưa ông?
- Tôi cho rằng, công tác quản lý các nguồn phóng xạ, đặc biệt là tại các doanh nghiệp rất lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến các các vụ mất nguồn phóng xạ trong thời gian qua.
Các vụ thất lạc nguồn phóng xạ gần đây đều là nguồn phóng xạ được sử dụng trong các doanh nghiệp. Năm ngoái, nguồn phóng xạ thất lạc tại TP HCM cũng là từ một doanh nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ trong thiết bị chụp ảnh không phá hủy (NDT) còn năm nay là nguồn phóng xạ trong một doanh nghiệp sản xuất thép.
Các nguồn phóng xạ tại Việt Nam thường không có cảnh báo bằng tiếng Việt.
Hướng khắc phục tình trạng nói trên trong thời gian sắp tới ra sao?
- Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp có sử dụng nguồn phóng xạ tăng cường các biện pháp quản lý. Về phía nhà nước, chúng tôi đã yêu cầu gắn thiết bị định vị đối với các nguồn phóng xạ lưu động để chủ động giám sat được các nguồn phóng xạ ấy chính xác đang ở đâu.
Với các nguồn phóng xạ không lưu động, gắn trực tiếp vào dây truyền sản xuất thì trách nhiệm quản lý vẫn thuộc về doanh nghiệp. Theo đó, khi tháo ra sửa chữa, thay thế hoặc di chuyển đều phải báo cáo với cơ quan quản lý để phối hợp quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay, các chủ doanh nghiệp gần như không quan tâm tới vấn đề này. Việc quản lý nguồn phóng xạ tại các doanh nghiệp chủ yếu giao cho người trực tiếp quản lý. Trong trường hợp nào đó, hoặc do thiếu ý thức hoặc do có chủ ý không tốt có thể gây ra thất thoát nguồn phóng xạ.
Chế tài xử phạt như thế nào đối với các cơ sở vi phạm quy định quản lý nguồn phóng xạ, làm thất thoát nguồn phóng xạ như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, theo quy định của Chính phủ thì các trường hợp vi phạm quy định quản lý nguồn phóng xạ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính nên mức độ chưa đủ răn đe.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ có thể sửa lại bổ sung những chế tài mạnh, theo hướng xử phạt cao hơn hoặc thậm chí là xử lý hình sự để đủ răn đe với các cơ sở không thực hiện đúng quy định quản lý nguồn phóng xạ.
Khi bị thất lạc, nguy cơ nguồn phóng xạ bị tháo mở do thiếu hiểu biết là rất cao. Vậy, làm thế nào để giúp người dân nhận biết được các nguồn phóng xạ có thể gây nguy hiểm, tránh những vi phạm không đáng có, thưa ông?
- Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần phải tuyên truyền nhiều hơn để người dân nhận biết dấu hiệu của các nguồn phóng xạ, tránh những vi phạm do thiếu hiểu biết.
Thực tế, các nguồn phóng xạ này mặc dù đã có cảnh báo nhưng hầu hết là chỉ có tiếng Anh. Sắp tới, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ này phải có cảnh báo bằng tiếng Việt. Khi đã có cảnh báo tiếng Việt như “Phóng xạ nguy hiểm chết người” thì người dân khi phát hiện nguồn này sẽ tránh xa hoặc báo cáo với cơ quan hữu quan.