Khó và khổ như làm phim chính luận

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với các bộ phim về đề tài tâm lý gia đình, phim chính luận thường khó chọn kịch bản và diễn viên. Cùng với đó, phim chính luận khô khan nên ít thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, sau phim “Chạy án”, trên sóng truyền hình đang có bộ phim “Sinh tử” thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Chính luận kiểu giả định vẫn hấp dẫn
Năm 2019, khán giả theo dõi truyền hình được thưởng thức nhiều bộ phim hấp dẫn như: "Về nhà đi con", "Hoa hồng trên ngực trái". Điểm chung của những bộ phim trên là nội dung đều đề cập đến các vấn đề gia đình, kịch bản hấp dẫn và hội tụ dàn diễn viên tài năng. Khép lại những bộ phim mang tính giải trí trên truyền hình, “Sinh tử” được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu đến khản giả như một làn gió mới, đầy sức hấp dẫn. Đến nay, phim đã trình chiếu được hơn 50 tập, đang đi vào hồi kết.
 Một cảnh trong phim 'Sinh tử'.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến – nhà viết kịch bản phim “Sinh tử” đã từng thông tin, bộ phim được thai nghén trong 10 năm với nhiều trăn trở. “Sinh tử” phải viết hai lần với tổng số chữ mỗi lần xấp xỉ 320.000 từ, tương đương với 1.200 trang sách khổ 13 x 19.
"Khác với tất cả kịch bản đã làm, “Sinh tử” lần này lấy đi nhiều tâm sức, hao tổn nhiều thần kinh vì những quăng quật của cuộc sống. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt và không một thứ nghệ thuật nào có thể theo kịp diễn tiến của nó. Thay vì dự báo, nghệ thuật đuổi theo không kịp cuộc sống và đó chính là bi kịch thời đại của cả nghệ sĩ, nhà văn lẫn xã hội” – nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho hay.
Cũng theo nhà văn Phạm Ngọc Tiến, làm phim ở Việt Nam là phải phiếm danh. Thế nên, không thể có một phim đề cập ở cấp Chính phủ, Nhà nước mà phải hạ xuống cấp tỉnh. Cũng không thể dùng bất cứ tỉnh nào cụ thể, dù câu chuyện thực tế là về chính vùng đất ấy. Giống như tỉnh Bình Lãng trong phim “Đàn trời” và lần này là tỉnh Việt Thanh trong “Sinh tử”, đều là những địa danh không có thực.
Khó, khô, khổ
Theo Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, làm phim chính luận có thể gói trong 3 từ: “Khó, khô, khổ”. Ba từ thôi nhưng đủ nói lên sự khác biệt của phim chính luận với những bộ phim tâm lý, gia đình, tình yêu... Đầu tiên là khó khăn về kịch bản.
Tiếp đó là độ ngấm của đạo diễn với những vấn đề bộ phim đặt ra. Trước khi làm phim “Sinh tử”, đạo diễn Khải Hưng và đạo diễn Mai Hiền phải ngồi dự một số phiên tòa xử án tham nhũng, xem người ta xét xử như thế nào để làm phim cho chuẩn. Ngoài ra, đối với diễn viên, những người chuyển tải nội dung kịch bản khuôn thước và khó nhớ lên màn ảnh phải có diễn xuất và lời thoại sống động.
NSND Trọng Trinh (nhân vật Bí thư Nhân trong phim “Sinh tử”) bộc bạch, từ khi bước chân vào nghề diễn viên cho tới bây giờ, đây là lần đầu tiên anh hóa thân vào một vai diễn không được dùng ngôn ngữ đời sống, thay vào đó là những câu từ chuẩn chỉ, không được sai dù chỉ một từ, chấm phẩy rõ ràng.
Nhiều câu thoại NSND Trọng Trinh mất cả đêm để học thuộc, nhưng không hiểu sao đến sáng hôm sau ra quay thì lại cứ như… chưa đọc bao giờ, đành phải học lại. Nhiều lần, anh với NSND Hoàng Dũng ngỡ diễn thế là được rồi nhưng đạo diễn Khải Hưng nhất mực bảo không được, phải quay lại.
Những vất vả của diễn viên, đoàn làm phim “Sinh tử” được đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ: “Làm xong phim “Sinh tử’, NSND, đạo diễn Khải Hưng đã bị hỏng một mắt vì biến chứng của bệnh tiểu đường và gút. Quá trình làm phim quá vất vả nên những chứng bệnh có sẵn của ông nặng thêm. Bên cạnh đó, các thành viên trong đoàn làm phim đối mặt với điều kiện thời tiết khó khăn, nhất là với những phân đoạn ngoại cảnh”.
Mặc dù phim chính luận luôn gặp thách thức giới làm nghề bởi sự khô khan, khuôn mẫu, tuy nhiên, bằng sự lao động nghiêm túc, sáng tạo và dấn thân, các nhà làm phim đã cố gắng gỡ dần các nút thắt, đem đến cho khán giả những bộ phim mang đậm hơi thở thời đại với nhiều cung bậc cảm xúc.

""Sinh tử” được hình thành nhờ có sự bổ sung rất kịp thời của nhà sản xuất, đạo diễn và đặc biệt là của các cố vấn của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Để cập nhật cho kịch bản, chúng tôi đã thêm một vài “mánh khóe” nghề nghiệp. Như vụ tai nạn sập mỏ đá trong phim, nhân vụ Thủ Thiêm chúng tôi lồng vào tình tiết khai thác ngoài địa giới.

Còn vụ người dân ở xã Giang Kim phản ứng về chuyện đất đai trong phim, chúng tôi đã đưa ra một gợi ý để tránh xung đột. Người dân phản ứng nhưng không gây xung đột về pháp luật. Khi lực lượng chức năng đến, họ chỉ mời Chủ tịch huyện về đình để đối thoại và sau đó có đóng cửa đình." - Biên kịch Phạm Ngọc Tiến

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần