Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khổ vì... hoa sữa

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoa sữa tuy đã trở thành đặc trưng của mùa Thu Hà Nội và đi vào tiềm thức của không ít thế hệ qua các tác phẩm thơ ca.

Song trên thực tế, không ít hộ dân có cây hoa sữa trồng trước nhà thường xuyên kêu khổ vì mùi hương quá đậm đặc, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống.

Từng có tiền lệ

Trước đó, việc di chuyển hàng cây hoa sữa từng được Hà Nội thực hiện vào năm 2019. Cụ thể, hơn 100 cây hoa sữa trên đường Trích Sài (quận Tây Hồ) mỗi khi vào mùa tỏa ra mùi quá đậm đặc, do đó người dân đã có nhiều phản ánh, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng tìm phương án xử lý. Số cây hoa sữa này sau đó được di chuyển và trồng tại khu vực bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), được người dân đồng tình ủng hộ.

Hàng cây hoa sữa trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hàng cây hoa sữa trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đối với riêng loài hoa sữa, đây vốn được coi là đặc trưng của mùa Thu Hà Nội và từng được rất nhiều tác giả lấy làm cảm hứng sáng tác thơ ca. Tuy vậy, đối với người dân sống ngay sát hàng cây hoa sữa thì đây lại là sự “tra tấn”, vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe; đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng bị xáo trộn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Lan, người dân sinh sống trên phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) cho biết, khoảng tháng 10 hàng năm khi cây hoa sữa bắt đầu nở rộ thì chỉ cần mở cửa ra là thấy mùi hoa sữa nồng nặc, không thể thở nổi. Những hôm hoa nở nhiều, tôi cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn vì mùi hoa sữa. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ gia đình khác, người dân kiến nghị cần di dời hoặc giảm bớt độ dày của hàng hoa sữa.

Liên quan đến vấn đề này, đồng thời nhằm hoàn thiện phương án triển khai dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng… UBND quận Đống Đa vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của TP cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa dọc tuyến phố này để hạn chế mùi hương đậm đặc của hoa sữa, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân và thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia sinh học, GS Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, việc Hà Nội triển khai trồng cây xanh, làm đẹp cảnh quan cần được ủng hộ.

Riêng với loài hoa sữa, tuy đáp ứng được một số tiêu chí chọn cây đô thị như không gãy đổ, tạo bóng mát, có chiều cao vừa phải và thẩm mỹ, nhưng hoa của cây này mùi rất nồng nặc. Vì thế, không phù hợp trồng trong đô thị, khu đông dân cư.

Trước đề xuất của UBND quận Đống Đa, Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý cần xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển.

Theo đó, việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm nên đề nghị UBND quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác được dư luận, người dân biết và ủng hộ.

Có thể trồng giãn mật độ

Nói về trồng cây xanh, GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng thời gian qua, nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây xanh khác nhau nhằm tìm ra phương án tối ưu cho đô thị. Đồng thời, các cơ quan cũng cần lắng nghe, xử lý nếu đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Ví dụ như mùi hoa sữa thường xuyên gây khó chịu cho những người dân sống sát cạnh, không những tạo ra mùi đậm, bụi hoa dày đặc, phủ lên đồ đạc, nhà cửa khiến các hộ thường xuyên phải đóng cửa khi mùa hoa tới.

Đặc biệt, mật độ dày đặc trên cả tuyến phố thì càng cần nhanh chóng khắc phục. GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà nhiều TP khác trên cả nước cũng từng trồng hoa sữa nhưng đã phải chặt đi do người dân phản ánh.

Theo chuyên gia cây xanh Nguyễn Hoàng Hào - Viện Điều tra quy hoạch rừng, trước đây do Hà Nội không có nhiều giống cây trồng đô thị nên ít có lựa chọn.

Tuy nhiên, đến nay do những thay đổi về khí hậu, hạ tầng đô thị, diện tích vỉa hè nhỏ, khí hậu khiến cho một số loài không còn phù hợp để trồng trên đường phố.

Theo đó, cây đô thị cần đáp ứng một số yêu cầu như không gãy, đổ, xanh quanh năm, ít rụng lá theo mùa, có mùi thơm vừa đủ và không có quả rụng bẩn. Đặc biệt với diện tích vỉa hè ít ỏi như hiện tại, loại cây to, tán lớn là không phù hợp. Nói riêng về hoa sữa, chuyên gia Nguyễn Hoàng Hào cho rằng dù đây là loài có mùi thơm, nhưng nồng độ lại quá đậm đặc, dễ gây ngộ độc. Do đó việc di chuyển là hợp lý.

Tuy vậy, không ít ý kiến lại cho rằng nếu không còn mùi hương hoa sữa, Hà Nội sẽ mất đi bản sắc. Mặt khác, hoa sữa còn gắn bó với tuổi trẻ của không ít thế hệ khiến người Hà Nội đi đâu cũng phải nhớ về, do đó không nên thay thế.

Về những ý kiến trái chiều này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, có người thích hoa sữa, có người không thích nhưng quan trọng nhất vẫn là cách quản lý của đơn vị có trách nhiệm vì quy trình trồng cây đã rõ ràng.

Còn việc chặt tỉa cây, di chuyển hay trồng cây mới… thì ý kiến của người dân sẽ mang tính “quyết định” bởi họ là người chịu tác động nhiều nhất và được hưởng thụ đầu tiên.

“Thực tế, nếu vẫn muốn giữ hoa sữa như một đặc trưng của Hà Nội, chúng ta nghiên cứu để trồng thưa hơn, khoảng cách 100 - 200m mỗi cây tại những vị trí thoáng, không có nhà dân. Hoặc các đơn vị chuyên môn cũng có thể nghiên cứu di dời hoa sữa vào các công viên, nơi có khoảng xanh lớn” - chuyên gia Nguyễn Hoàng Hào phân tích.

Về công tác thay thế sau khi di dời hoa sữa nhằm đảm bảo cây xanh, bóng mát và không gian đô thị, chuyên gia Nguyễn Hoàng Hào cho biết, trên một số tuyến phố Thủ đô đang có những loại cây phù hợp với hạ tầng đô thị, khí hậu, có thể được nghiên cứ đưa vào trồng bổ sung, ví như cây Nhội trắng, cây Vàng Anh có tán nhỏ, cũng đáp ứng được những tiêu chí của cây xanh đô thị.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, trong trường hợp các cây hoa sữa được trồng giãn mật độ hoặc tại các công viên cây xanh, việc chăm sóc, cắt tỉa cũng không gặp quá nhiều xáo trộn.

 

"Hiện chưa có nghiên cứu nào về tác hại của hoa sữa với sức khỏe, nhưng có nhiều người bị dị ứng phấn hoa, trong đó có hoa sữa vì bản chất hương hoa sữa có mùi rất nồng, nếu ngửi ít sẽ cảm thấy rất dịu, nhưng nếu ngửi nhiều có thể bị khó thở, nhất là nhóm người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp. Ngoài ra, những sợi lông hoa sữa theo gió hòa lẫn vào không khí, con người hít vào cũng dễ bị dị ứng, ảnh hưởng tới sức khỏe, nguy cơ bị tái phát bệnh, mẩn ngứa, thậm chí nổi mụn, phát ban do phấn hoa sữa là những dị nguyên gây khởi phát dị ứng." - PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai)

"Việc trồng cây xanh là cần thiết để giúp cho cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội trở nên đa dạng, phong phú và đẹp hơn. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, ở vị trí nào cần được thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng để tránh việc mất công trồng lên rồi lại phải tốn công di dời, chặt hạ vì không phù hợp. Bên cạnh hoa sữa, bài học có thể nhắc đến là việc Hà Nội từng trồng cây phong lá đỏ, tuy nhiên sau đó loài cây này không sinh trưởng tốt dẫn đến phải di dời và thay thế dù đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước đó." - GS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam